Xuất khẩu sang EU: Loại bỏ tâm lý e dè thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao

admin
Một số doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e dè rằng xuất khẩu sang EU vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến hiện đại, mẫu mã bao bì và con người đảm bảo tiêu chuẩn,... và làm dần từng bước một thì chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU nói riêng và Châu Âu nói chung.

Thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe

Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức đi vào thực thi (01/08/2020), những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo hiệp định đã đóng góp lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời chúng ta cũng được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.

Với dân số hơn 500 triệu người, EU là thị trường vô cùng tiềm năng, hấp dẫn đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Dĩ nhiên, đây cũng là thị trường đòi hỏi những yêu cầu tiêu chuẩn vô cùng khắt khe, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh hiện nay EU đang đặc biệt nhấn mạnh những tiêu chuẩn về xanh, sạch, nhân văn cùng vấn đề lao động và những vấn đề khác như thuế CBAM (thuế carbon), cho thấy để đáp ứng tiêu chuẩn của EU không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà cũng là thách thức với cả doanh nghiệp từng có kinh nghiệm ở EU, bởi vì tiêu chuẩn đang thay đổi và yêu cầu cao hơn.

EU hiện đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của nước ta, chiếm hơn 40% xuất khẩu của toàn ngành.

Một số doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e dè xuất khẩu sang EU vô cùng khó khăn, đồng thời lo lắng không đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công và bước đầu xây dựng thương hiệu tại thị trường EU, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU rồi mới thấy nhiều lợi ích.

Ông Khuê cho biết, với riêng ngành rau quả thì Châu Âu là thị trường truyền thống và dư lượng nhập khẩu rất lớn, chiếm khoảng 45% nhu cầu rau quả của thế giới. Bên cạnh đó, các nước EU nói riêng và các nước Châu Âu không trồng được các loại rau quả nhiệt đới như dứa, chuối, chanh leo... nên ít áp dụng biện pháp phòng vệ như các nước khác. Đấy là một điều rất thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Sau khi có EVFTA thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn nhiều. Hiện nay, các nước Châu Á khác xuất khẩu rau quả vào EU không trồng các loại cây trồng như Việt Nam và chúng ta chỉ phải cạnh cạnh tranh với các nước vùng Nam Mỹ như Peru, Ecuador...., cho nên khả năng cạnh tranh của Việt Nam tốt hơn.

"Mặc dù xuất khẩu sang Châu Âu có những khó khăn nhất định, yêu cầu về chất lượng phải đảm bảo, số lượng cung cấp thường xuyên, sản xuất ổn định quanh năm. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu chuẩn, máy móc chế biến hiện đại, mẫu mã bao bì và con người từ quản lý đến công nhân đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường cảnh quan nhà máy... và làm dần từng bước một thì chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU nói riêng, Châu Âu nói chung", ông Khuê nói.

Doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh

Hơn nữa, theo các chuyên gia, để doanh nghiệp cạnh tranh được không những ở thị trường EU mà ở cả thị trường trong nước và các thị trường trên thế giới thì bản chất doanh nghiệp phải có khả năng cạnh tranh, bởi nếu không cạnh tranh sẽ không tồn tại và phát triển được.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cần có sự vận động, giải pháp từ cả phía doanh nghiệp, ngành hàng và hỗ trợ của chính sách. Nhấn mạnh sự chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng muốn làm, muốn thay đổi thì bắt đầu phải từ bản thân doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Phạm Đình Thưởng - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Tận dụng Hiệp định thương mại tự do KTPC cho hay, doanh nghiệp cần chủ động và mạnh dạn hơn trong khai thác thị trường. Đa số doanh nghiệp của chúng ta vẫn còn thiếu tính chủ động. Các doanh nghiệp cần phải đi nhiều hơn, tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, với hệ thống phân phối tại các thị trường xem nhu cầu của họ là gì rồi quay trở lại để thay đổi tư duy quản trị, cải tiến sản phẩm… phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của đối tác, khách hàng.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất chính là thay đổi tư duy của doanh nghiệp về việc xuất khẩu sang thị trường EU, cần khắc phục tâm lý e ngại về những rào cản, năng lực xây dựng nhà xưởng theo yêu cầu hay những điều kiện dành cho người lao động như các thị trường mong muốn.

{