TikTok phải chịu trách nhiệm xã hội đối với nội dung trên nền tảng và trước cộng đồng

admin
TikTok cần xem xét lại về trách nhiệm của mình đối với sự an toàn của người dùng khi liên tục vướng vào lùm xùm với những video, phim ngắn phản văn hóa, chống phá Đảng và nhà nước, đưa ra các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, cổ xúy hành vi phạm tội…

Mặt trái của TikTok gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng

Theo số liệu của DataReportal, tính đến tháng 2, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng 49,9 triệu người dùng. Tuy sở hữu số lượng người dùng lớn và mới bùng nổ vài năm trở lại đây, nhưng TikTok liên tục vướng vào lùm xùm khi xuất hiện nội dung xấu độc như phim ngắn phản văn hóa, dung tục, các thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan, nhiều nội dung cổ xúy hành vi phạm tội.

Không chỉ riêng TikTok mà nhiều nền tảng công nghệ mới cũng có rất nhiều nguy cơ về thông tin sai lệch, thông tin độc hại không phù hợp với lứa tuổi, lan truyền những thông tin sai trái.

Thời gian qua, TikTok đang nổi lên là nên tảng mạng xã hội được giới trẻ quan tâm nhiều nhất, thậm chí khoảng 9-14 tuổi là nhóm chiếm phần đông sử dụng mạng xã hội này.

Mạng xã hội thịnh hành này quy định rõ độ tuổi của người dùng TikTok là từ người đủ 13 tuổi trở lên nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia. Có những người làm clip lan truyền rất nhiều nội dung không chuẩn mực, tạo sự kịch tính làm cho bộ phận giới trẻ, nhận thức sai lệch về cuộc đời, trẻ nhỏ không có thông tin chính thống khi tiếp cận sẽ bị ảnh hưởng.

TikTok quy định rõ độ tuổi của người dùng TikTok là từ người đủ 13 tuổi trở lên nhưng những người dưới tuổi này cũng đã tham gia. Ảnh minh họa

Các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mạng xã hội cũng phản đối các nội dung nhảm nhí hiển thị tràn lan trên TikTok, vì có nhiều "Thầy hướng nghiệp TikTok, bác sĩ chữa bệnh TikTok…" chẳng có bằng chứng khoa học nào nhưng có lượng view cực lớn, gây ảnh hưởng tiêu cực cộng đồng. Nhiều chế độ ăn uống chẳng nghiên cứu về dinh dưỡng gì đã đẩy không ít người hiểu sai lệch vấn đề.

Ví dụ, người đăng TikTok chỉ đưa 1 phần nội dung của câu chuyện làm cho người khác không nhìn thấy đầy đủ bản chất sự việc gây hoang mang, thậm chí chỉnh sửa loại bỏ bối cảnh… Ở nền tảng khác, việc này cũng có nhưng với TikTok cho phép các loại video ngắn, công cụ chỉnh sửa rồi đăng lên TikTok rất dễ, miễn phí. Nhiều người dựng những thông tin đó một cách đầy kịch tính, không đúng đắn. Khi người trẻ không được trang bị dễ tin thụ động. Điều này khiến không riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới không khỏi lo lắng, có nơi đã cấm hay hạn chế TikTok vì lo ngại bảo mật.

TikTok phải chịu trách nhiệm về mặt văn hóa để đảm bảo phát triển cộng đồng lành mạnh

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), chia sẻ: “Ở quốc gia khởi nghiệp như ở Việt Nam, phát triển công nghệ nhưng giờ ai cũng muốn trở thành những TikToker kiếm tiền, livestreamer bán hàng kiếm tiền thì khuyến khích ai học hành, phấn đấu nữa.”

Trong Quyết định số 830/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025" có sự kết hợp của 4 Bộ: Bộ TTTT, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục – Đào tạo để tham gia bảo vệ giới trẻ, các chiến lược ấy cũng đã áp dụng cho TikTok. Mạng xã hội khi vào quốc gia nào phải tuân thủ nét văn hóa của quốc gia đó như thuần phong mĩ tục… phải chịu trách nhiệm về mặt văn hóa để đảm bảo phát triển lành mạnh của người trẻ

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nói về ảnh hưởng, hệ lụy từ việc "nghiện" internet, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ngay cả người lớn vì nhu cầu thư giãn cũng dễ nghiện TikTok, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc trong cuộc sống thực. Vì thế, cần phải có những hình thức để quản lý cả về thời gian, độ tuổi.

Google Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo 9 tuổi các em đã vào mạng xã hội nhưng đến 13 tuổi các em mới được trang bị các kỹ năng cơ bản về sống an toàn trên môi trường mạng. Đây là điều rất nguy hiểm bởi trong thời đại hiện nay, việc truy cập vào mạng là điều qúa dễ dàng, và không hề có rào cản pháp lý nào ngăn chặn, phân luồng thông tin phù hợp với lứa tuổi.

Cần có những quy định nghiêm ngặt nhằm quản lý các thần tượng TikTok, không để xảy ra tình trạng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, thậm chí tạo trend lan truyền thiếu kiểm soát trên không gian mạng; Đề ra các biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... Có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những nội dung vi phạm bản quyền; Để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác nhằm tung tin giả.

Các thông tin giả mạo, thông tin xấu độc, các hình ảnh, clip nhảm nhí trên không gian mạng giống như "rác thải" độc hại trong đời sống xã hội. Nếu rác thải gây ô nhiễm môi trường, tác động đến không gian, khu vực mà nó xuất hiện thì "rác thải trên không gian mạng" có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, tác động nhanh chóng và tiêu cực hơn đối với đời sống xã hội. Thông tin xấu độc này làm ảnh hưởng đến mọi tầng lớp, lứa tuổi, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…, tác động tiêu cực đến hình thành nhân cách của trẻ em…

VietQ

{