Thủ tướng chỉ đạo không cúng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ

admin
Trong văn bản mới nhất, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.

Không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 30/1/2024 về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Công điện nêu: Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân năm 2024 sẽ diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhất là ở các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các lễ hội truyền thống, lễ hội tín ngưỡng, lễ hội tôn giáo thu hút đông đảo chức sắc, tín đồ và Nhân dân tham dự.

Trong đó yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Thủ tướng chỉ đạo không cúng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ - Ảnh 1Thủ tướng chỉ đạo không cúng sao giải hạn, cúng oan gia trái chủ. Ảnh: Minh họa. 

Hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 23 tháng 11 năm 2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024 và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc, tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.

Cúng sao giải hạn chỉ là nghi lễ tâm linh

Một số người quan niệm năm nào nam giới gặp sao chiếu mệnh là La Hầu, nữ là Kế Đô thì năm đó xui xẻo. Đối với sao Thái Bạch là hao tốn tiền của, không giữ được tiền bạc.

Tuy nhiên đến nay, chưa có nhà thiên văn học nào chứng mình được sự xuất hiện của 9 ngôi sao chiếu mệnh con người trên bầu trời. Cúng sao giải hạn chỉ là nghi lễ tâm linh giúp một số người cảm thấy an tâm.

Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa GHPGVN, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM khẳng định, cúng sao giải hạn không có trong đạo Phật.

Thượng tọa chia sẻ, mỗi người tự tạo nghiệp của mình từ các việc mình làm. Ta nhận được kết quả từ chính mình đã tạo ra chứ không có điềm báo gì cho rằng ngôi sao nào chiếu mệnh là tốt hay phước đức.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các chùa, cơ sở tu viện, tăng ni tổ chức tụng kinh cầu an và thuyết giảng về luật nhân – quả của Phật giáo, tạo phước đức bằng việc tránh ác, làm nhiều việc thiện.

Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng văn hóa theo hướng văn minh mà vẫn duy trì được truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay, dâng sao giải hạn không phải là tư tưởng của Phật giáo. Bởi lẽ, nếu cúng sao giải được hạn thì có nghĩa là giải được nhân quả.

“Giả dụ người xấu cứ tranh đoạt, làm việc bất thiện rồi đến nhà chùa nhờ giải hạn cho, thế thì xã hội này loạn, còn đâu luật đời, luật trời. Cái đó là phi nhân tính, phi đạo đức đặc biệt là phi nhân quả”, TS Bùi Hữu Dược nói.

Theo TS Bùi Hữu Dược, nhân quả không phải chỉ là của nhà Phật mà là “quy luật sắt” của vũ trụ. Theo đó, ở hiền thì gặp lành, xấu thì gặp xấu, gieo gió thì gặp bão. Chỉ có điều không gặp lúc này thì gặp lúc khác, không gặp đời này thì gặp đời khác.

Dâng sao giải hạn là việc đánh lừa con người trong thời khắc nhất định, giống như người đi vay, không trả lúc này thì phải trả lúc khác, việc “giải hạn” chỉ là xin hoãn, chứ không tránh được.

Thay vì dâng sao giải hạn, thì hãy biết tin vào nhân quả. Chuyện kể, có nhà sư nói chuyện với nhà bác học Anhxtanh, Anhxtanh nói: Mọi thứ trên thế gian này là tương đối. Nhà sư nói đúng là như thế, nhưng có một thứ tuyệt đối đúng là tính nhân quả. Chỉ có điều chưa biết lúc nào nó đến, là cái tương đối, còn nhất định phải đến là tuyệt đối. Anhxtanh thừa nhận đúng thế. Nếu giáo dục cho con người ta tin vào nhân quả, người ta sẽ làm việc thiện, tốt.

{