Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ ra lý do khiến tăng trưởng tín dụng thấp

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023, mọi cơ chế và chính sách cho vay vẫn giữ nguyên nhưng 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ khoảng trên 5%, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022.

Ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận và đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội nêu về lĩnh vực ngân hàng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm 2023, mọi cơ chế và chính sách cho vay vẫn giữ nguyên nhưng 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ khoảng trên 5%, thấp hơn một nửa so với cùng kỳ 2022.

Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm không phải do chính sách, bởi lẽ, trong 5 tháng đầu năm, dư địa (room) tín dụng của các ngân hàng rất rộng rãi; thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì ở mức dư thừa. Về phía các ngân hàng, không có lý do gì để các ngân hàng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà lại không muốn cho doanh nghiệp vay.

Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề xuất cần có các khảo sát toàn diện, tổng thể, mổ xẻ kỹ tình trạng khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

nullThống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
 

Liên quan đến tiếp cận tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 thực trạng.

Thứ nhất, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không có đầu ra, không có đơn hàng. Minh chứng là chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) ngành Sản xuất của Việt Nam do S&P Global công bố đã giảm xuống 45,3 trong tháng 5 so với 46,7 trong tháng 4. Suy giảm PMI tháng 5 của Việt Nam là mạnh nhất kể từ tháng 9/2021. Trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm mạnh, doanh nghiệp không có đơn hàng thì nhu cầu vay vốn thấp. Để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này, cần nhanh chóng tìm các giải pháp đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa với 100 triệu dân để thay thế thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 nên không đủ điều kiện vay vốn. Để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này, có thể thông qua chính sách bảo lãnh vay vốn cho SMEs…; Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng cho vay doanh nghiệp SMEs trên cơ sở phương án kinh doanh khả thi chứ không cần tài sản đảm bảo.

Thứ ba là tín dụng bất động sản tăng chậm, mặc dù vẫn là lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất. Đối với lĩnh vực bất động sản, 70% khó khăn vướng mắc đến từ pháp lý nên cần tháo gỡ pháp lý cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, sớm mở bán dự án mới có dòng tiền. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp giảm giá sản phẩm, phát triển các phân khúc phù hợp nhu cầu thực của người dân.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đang nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu về những khó khăn của doanh nghiệp, Thống đốc cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm đến thông tin trong báo cáo PCI 2022 do VCCI thực hiện, cho biết phần lớn doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

“Tại báo cáo PCI 2022, VCCI lựa chọn 82.500 doanh nghiệp để điều tra, trong khi nền kinh tế có 800 đến 900 nghìn doanh nghiệp. Như vậy, số doanh nghiệp được khảo sát là rất nhỏ. Trong số 82.500 doanh nghiệp được lựa chọn, VCCI chỉ liên hệ thành công được với hơn 43.903 doanh nghiệp, mời trả lời trực tuyến.

Kết quả cuối cùng chỉ có 8.478 doanh nghiệp phản hồi hợp lệ trong số 43.903 doanh nghiệp. Vậy kết quả này có phản ánh đầy đủ bức tranh tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp hay không?”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đặt vấn đề.