Năm 2025, SCIC đặt kế hoạch đạt gần 12,000 tỷ đồng doanh thu, hơn 9,200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và dự kiến giải ngân đầu tư hơn 18,900 tỷ đồng.
Theo SCIC, cơ quan này đã hoàn tất việc bán vốn tại Tổng Công ty Thăng Long, với giá trị đầu tư ban đầu là 105 tỷ đồng, tương ứng 25,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này.
Một trong những thương vụ gây chú ý nhất trong đợt thoái vốn này là kế hoạch bán 5,7% vốn tại Công ty CP FPT – tương đương gần 840 tỷ đồng giá trị đầu tư ban đầu. SCIC hiện là cổ đông lớn thứ hai của FPT, sau Chủ tịch Trương Gia Bình.

Danh sách 31 doanh nghiệp SCIC dự kiến sẽ bán vốn.
Tạm tính theo thị giá cổ phiếu FPT hiện tại, SCIC có thể thu về hơn 9.100 tỷ đồng nếu thương vụ thoái vốn thành công.
SCIC cũng vừa công bố kế hoạch chào bán cạnh tranh toàn bộ hơn 12 triệu cổ phần, tương ứng 34,71% vốn điều lệ tại CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC), sau nhiều lần đấu giá không thành công trước đó.
Giá khởi điểm được đưa ra là hơn 1.531 tỷ đồng, tương đương 127.000 đồng/cổ phiếu – cao gấp đôi thị giá ngày 18/4/2025 (61.200 đồng/cp). Cuộc đấu giá dự kiến diễn ra ngày 12/5/2025 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE). Thời gian đăng ký và đặt cọc từ 15 đến 29/4, với mức đặt cọc 10% giá trị lô cổ phần.
Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC theo Quyết định 690/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu sắp xếp và cơ cấu lại danh mục đầu tư đến hết năm 2025. Domesco nằm trong nhóm 74 doanh nghiệp SCIC dự kiến thoái vốn toàn bộ trong năm nay.
Ngoài FPT và Domesco, SCIC cũng dự kiến thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp lớn, bao gồm:
Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex); Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP); Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (HND); Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP); Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM); Tổng Công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam - CTCP (VIW); Tổng công ty CP Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC)