Người miệt mài xây dựng thương hiệu chè sạch ở vùng đất Thái

admin
Loại bỏ hoàn toàn phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, kích lá … trên các nương chè, anh Hoàng Văn Tuấn (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã và đang mang đến thị trường những dòng sản phẩm trà sạch, an toàn, nguyên bản hương vị.

Đã có một thời gian, người ta chứng kiến quy trình sản xuất trà truyền thống bị tác động và thay đổi. Đó là khi các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) xâm nhập tràn lan vào những nương chè.

Phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, kích lá… thời gian đầu đã giúp người nông dân trồng chè nhàn hạ hơn trong khâu chăm bón. Những nương chè lúc nào cũng tươi xanh, mượt mà. Sản lượng, năng suất, lợi nhuận từ chè theo đó cũng cao hơn trước kia.

Nhưng lâu ngày, sự lệ thuộc vào phân bón hoá học, thuốc BVTV đã khiến đất đai mất dần chất chất dinh dưỡng, cây chè trở nên còi cọc, trong khi đó những lá chè lúc nào cũng tồn dư hàm lượng hoá chất, nhiều khi vượt ngưỡng an toàn. Sản phẩm trà lấy nguyên liệu từ những nương chè này không còn vị trí ở những thị trường “khó tính”, bị người tiêu dùng ngờ vực và quay lưng...

Đứng trước thực trạng đó, nhiều người gắn bó với vùng chè đã quyết tâm chuyển đổi. Trong đội ngũ tiên phong, có những người trẻ, được học hành bài bản, đã quyết tâm quay lại chính mảnh đất quê hương để vực lại vùng nguyên liệu chè an toàn.

Để tạo ra vùng nguyên liệu an toàn, bước đầu tiên là thay đổi tập tính, thói quen chăm sóc chè. Từ dùng thuốc BVTV sang thuốc sinh học, thảo mộc. Từ dùng phân bón hoá học sang sử dụng phân bón hữu cơ.

Anh Hoàng Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô 

Anh Hoàng Văn Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô chia sẻ, sản xuất chè hữu cơ không khó. Bởi từ ngàn xưa cha ông chúng ta trồng chè, dù không có thuốc trừ sâu và phân bón hoá học nhưng vẫn có những nương chè xanh tươi. Nút thắt nằm ở sự kiên trì và nhạy bén và linh hoạt.

Theo anh Tuấn, cũng như các loại cây trồng khác, nguồn đất dồi dào dinh dưỡng là yếu tố quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Vì vậy, để duy trì và tăng cường độ phì nhiêu, tơi xốp của đất, đồng thời chống xói mòn và giúp cây chè hấp thu dinh dưỡng, Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô một mặt đã giảm tối đa việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo. Mặt khác, tận dụng tái chế chất thải và phụ phẩm có nguồn gốc thực vật, động vật làm nguyên liệu chăm bón. Theo đó, các phế phụ phẩm nông lâm nghiệp như: rơm rạ, đầu mẩu, mùn cưa từ chế biến lâm sản được sử dụng để sản xuất than sinh học kết hợp ủ với phân chuồng tạo ra phân bón hữu cơ phục vụ chăm bón cho cây chè. Những nương chè được trồng, chăm sóc theo mô hình hữu cơ sẽ cho ra những lá chè, búp chè an toàn, giàu chất dinh dưỡng.

Cũng theo anh Tuấn, từ nguyên liệu lá, búp chè tươi, sau thu hái theo tiêu chuẩn, từng loại sẽ được đem về xưởng chế biến theo cách truyền thống để giữ lại hương vị. Nguyên liệu này sẽ được hong héo ở môi trường tự nhiên từ 2-3 giờ rồi tiến hành dệt men. Sau dệt men là vò xoăn cánh bằng máy vò chuyên dụng. Tiếp đó là quá trình rũ tơi rồi sấy khô cho tới khi thấy trà giòn sịu cùng với hương thơm lan tỏa. Đấy là lúc những mẻ trà an toàn, thơm ngon, chuẩn vị ra đời, từ đó đi vào quy trình đóng gói và phân phối tới tay khách hàng.

Như vậy, sản phẩm trà an toàn của Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô được định hình và ra đời bằng quá trình canh tác thủ công, dùng nguyên liệu sạch từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hái và chế biến…

Để sản phẩm an toàn đến được tận tay người tiêu dùng, khi đưa ra thị trường Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư công nghệ dán mã QR trên bao bì sản phẩm, qua đó giúp khách hàng dễ dàng nhận diện, truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là cách để hợp tác xã bảo vệ thương hiệu của chính mình.

Cùng với thị trường trong nước, hiện tại sản phẩm trà sạch của Hợp tác xã Trà an toàn Phú Đô đã có mặt tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Mỹ và Dubai …

Về vùng nguyên liệu, từ 0,7 ha chè ban đầu, đến nay hợp tác xã đã mở rộng được 4,5 ha. Với phương trâm “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, hiện tại Hoàng Văn Tuấn đang tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết với bà có đất chè trên địa bàn huyện, cùng nhau xây dựng, phát triển bền vững cây chè, đồng thời đưa thương hiệu trà sạch đến gần hơn với người tiêu dùng.

Chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu trà sạch, anh Tuấn cho biết: “trải qua hơn 4 năm trên con đường sản xuất trà không hoá chất, tới nay tôi và hợp tác xã đã dần nhận được sự quan tâm, ủng hộ, đồng hành của các cơ quan, tổ chức và người dân địa phương. Còn rất nhiều việc cần phải bắt tay lảm trong thời gian tới, nhưng tôi tin hợp tác xã sẽ làm được. Chỉ cần kiên trì và vững tâm. Trong tương lai không xa, những dòng sản phẩm trà an toàn sẽ tới được tay nhiều khách hàng, từ đó thương hiệu trà Thái Nguyên sẽ tiếp tục được củng cố và ngày càng phát triển bền vững”.

{