Hoàn thiện cơ chế để "hút" vốn ngoại vào bất động sản

admin
Trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư ngoại đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia tích cực tìm hiểu để tiến hành mua bán - sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản tại Việt Nam, với tổng giá trị đạt khoảng 1,4 tỷ USD.

Dòng vốn ngoại vẫn đổ vào bất động sản

Mới đây, Tập đoàn Surbana Jurong đến từ Singapore ký kết hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do Kim Oanh làm chủ đầu tư. Theo thỏa thuận, Kim Oanh Group và Surbana Jurong sẽ hợp tác phát triển một loạt dự án bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng, tòa nhà văn phòng tại khu vực phía Nam. Ngoài ra, Surbana Jurong sẽ chịu trách nhiệm tư vấn quy hoạch khu đô thị và tư vấn kiến trúc cho các dự án mà Kim Oanh Group triển khai.

Theo bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Kim Oanh Group, Tập đoàn tập trung phát triển dòng sản phẩm nhà ở xã hội có giá hợp lý, dễ dàng sở hữu, đảm bảo chất lượng tốt và bền vững, mang đến môi trường sống xanh, sạch, an toàn. Việc ký kết hợp tác chiến lược với Surbana Jurong giúp Tập đoàn phát triển nhà ở xã hội chuẩn Singapore tại Việt Nam.

Tương tự, Hưng Thịnh cũng bắt tay với Marubeni - tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản. Hai bên hợp tác đầu tư phát triển một dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính mới TP. Thủ Đức, tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng. Ông Masato Tachibana, đại diện Marubeni cho biết, hai bên sẽ đánh giá kỹ tình hình thực tế để đưa ra các bước triển khai hiệu quả, nhanh chóng.

Trong bối cảnh thị trường gặp khó, vốn ngoại được kỳ vọng sẽ trở thành “lối thoát hiểm”, giúp doanh nghiệp địa ốc hồi phục. Các kết quả thăm dò chỉ ra, số lượng nhà đầu tư ngoại quan tâm tới dự án tại Việt Nam đang tăng mạnh. Dù vậy, những tháng đầu năm nay, các thương vụ  M&A trong lĩnh vực bất động sản vẫn diễn tiến chưa nhanh.

bat-dongan-cong-nghiep-1692282363.jpegBất động sản công nghiệp là "điểm sáng" trong thu hút vốn FDI. Ảnh BĐN.
 

Bà Đào Thiên Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, giá trị thị trường M&A tại Việt Nam đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, M&A lĩnh vực bất động sản và xây dựng đạt 1,4 tỷ USD với 24 thương vụ, giảm 65% so với cùng kỳ 2022.

Xét về phân khúc, bất động sản công nghiệp là phân khúc thu hút nhiều thương vụ M&A nhất (16 vụ mua bán thành công). Hiện khối nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 92% trong bên mua của các thương vụ M&A bất động sản tại Việt Nam, nhiều nhất là các doanh nghiệp đến từ Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc.

Nổi bật trong số này phải kể đến thương vụ ESR Group Limited - một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương, chi 450 triệu USD để tăng sở hữu tại Công ty cổ phần Phát triển công nghiệp BW (BW Industrial) vào tháng 1/2023. Đây cũng là thương vụ lớn nhất trên thị trường bất động sản và cũng là thương vụ tiêu biểu trong phân khúc bất động sản công nghiệp.

Đối với phân khúc nhà ở, khu đô thị, Gamuda mua thêm một dự án 3,68 ha tại TP Thủ Đức với giá 305 triệu USD vào đầu tháng 7 là thương vụ dẫn đầu trong phân khúc. Ngoài ra, còn có một số thương vụ nổi bật khác như Keppel Corporation mua lại dự án 11,8 ha từ Khang Điền với giá 277 triệu USD và một dự án bán lẻ ở trung tâm TP Hà Nội với giá khoảng 80 triệu USD.

Hoàn thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn ngoại hiệu quả

Chia sẻ tại Hội thảo gần đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhìn nhận, 35 năm qua, với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng. Bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần chuẩn hóa thị trường bất động sản tại Việt Nam, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam có những công trình bất động sản đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

“Không chỉ bất động sản công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, một số dự án bất động sản đã có xu hướng tích hợp được các tiêu chí xanh, công năng xanh vào chu trình phát triển và vận hành”, ông Tuấn chia sẻ trên Reatimes.vn.

Trên thực tế, cùng với nhiều thương vụ M&A liên quan đến khu công nghiệp, bất động sản thương mại, thì nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản cũng chứng kiến nhiều cái “bắt tay” của doanh nghiệp nước ngoài với các chủ đầu tư dự án nhà ở trong nước.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước đang gặp nhiều khó khăn, dòng vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào lĩnh vực này chứng tỏ, bất động sản Việt Nam là một thị trường hấp dẫn và có nhiều tiềm năng phát triển.

Hơn hết, Việt Nam lại là nước có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư như: Chính trị ổn định, an toàn; tăng trưởng kinh tế cao; chi phí sản xuất cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng; vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài thuận lợi cho xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng. Hệ thống luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch và đang tiếp tục được hoàn thiện.

Tuy nhiên nhìn nhận một cách thẳng thắng, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn tình trạng kém hiệu quả, dự án quy mô đất lớn nhưng chậm triển khai cũng như nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời; thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài; tín dụng bất động sản và hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang bị kiểm soát chặt chẽ.

“Tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản cũng như khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới”, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhấn mạnh.

bat-dongan-cong-nghiep-1-1692282363.png Cơ cấu vốn ĐTNN 6 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh BKHĐT. 
 

Theo đó, để bắt kịp xu hướng của thời đại, tiến tới chọn lọc các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Tuấn đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện:

Đầu tiên là tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel ..) phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp đến là chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Giải pháp thứ ba là khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Cuối cùng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.

Bất động sản công nghiệp là "điểm sáng" trong thu hút vốn FDI

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn được đánh giá là ổn định. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đến cuối tháng 7/2023, FDI vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1,53 tỷ USD - giữ vị trí thứ 3 trong các ngành, lĩnh vực.

Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp chính là “điểm sáng” của thị trường và dòng vốn FDI ổn định đã góp phần tạo “nam châm” thu hút đầu tư cho phân khúc này.

Các chuyên gia dự báo, với mục tiêu đón sóng FDI đổ vào Việt Nam, nhu cầu thuê đất công nghiệp vẫn tiếp tục sôi động trong năm 2023, bất chấp những khó khăn chung của toàn thị trường bất động sản, nhất là trong bối cảnh các thủ phủ công nghiệp cũ dần lấp đầy khiến giá thuê đi lên và nguồn cung mới, có quy mô diện tích lớn cũng hạn chế.

{