Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe: Cơ sở nào để lập ĐTM?

admin
"Khi mà Việt Nam còn chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu, vậy lấy cơ sở gì để đánh giá tác động môi trường?" - TS. Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh.

Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam vào khoảng 22 triệu tấn. Các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan – ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc. Các mỏ đất hiếm gốc và vỏ phong hóa phân bố ở Tây Bắc gồm Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái). Ngoài các mỏ đất hiếm trên, ở vùng Tây Bắc còn có nhiều điểm quặng có biểu hiện sa khoáng nhưng chưa được điều tra, đánh giá như điểm mỏ Sin Chải, Thèn Sin (Lai Châu), Làng Phát, Làng Nhẻo (Yên Bái)…

Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như thông tin y tế, năng lượng, giao thông – vận tải, quân sự… Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD/năm, nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.

Dù được thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay song đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm. Mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.

Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe: Cơ sở nào để lập ĐTM? - Ảnh 1 Các mẫu quặng đất hiếm ở mỏ Bắc Nậm Xe. Ảnh: NVN.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường TS. Nguyễn Thành Sơn (chuyên gia kỹ thuật mỏ) cho biết, khai thác đất hiếm không khó, quan trọng là khâu tuyển và chế biến. Việt Nam đã nghiên cứu hơn 40 năm, song vẫn chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu để cho ra sản phẩm chất lượng cao.

"Gọi là đất hiếm nhưng không phải hiếm, Bản chất hàm lượng của nó trong vỏ trái đất còn nhiều hơn cả chì, đồng... Nó hiếm vì nó không tồn tại dưới dạng quặng nguyên sinh như chì, đồng... mà nó tán xạ, tồn tại dưới dạng vi lượng, rất khó tuyển và chế biến.

Theo thống kê, có tới 51 quốc gia sở hữu trữ lượng đất hiếm. Song, đa số các nước sẽ giữ bí mật các số liệu liên quan, cách tính trữ lượng của họ cũng khác nhau, do đó rất khó so sánh về trữ lượng khi không cùng mẫu số.

Nhiều nguồn tin có đề cập đến việc Việt Nam sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới, song tôi cho rằng cần xem xét lại. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn đánh giá thì khi nói về trữ lượng thì nó phải khả thi về mặt kinh tế, tức là anh phải tuyển được, chế biến sâu được, còn không thì chỉ có thể gọi đó là tiềm năng", ông Sơn phân tích.

Chuyên gia đặt vấn đề

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của "Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu" để lấy ý kiến tham vấn rộng rãi của cộng đồng.

Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải là chủ đầu tư dự án; Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Hà Nội) là đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM. Tổng diện tích sử dụng đất phục vụ cho dự án gần 182ha thuộc xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ; thời gian hoạt động dự án được đề xuất 30 năm.

Bàn luận về vấn đề này, TS. Nguyễn Thành Sơn tỏ ra rất băn khoăn. Ông cho rằng, khi mà Việt Nam còn chưa làm chủ được công nghệ chế biến sâu đối với khai thác đất hiếm, vậy lấy cơ sở gì để đánh giá tác động môi trường?

Dự án khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe: Cơ sở nào để lập ĐTM? - Ảnh 2 TS. Nguyễn Thành Sơn.

"Chúng ta mới xét đến công nghệ khai thác, trong khi dùng công nghệ tuyển, công nghệ chế biến nào còn chưa biết. Khai thác chỉ là một khâu nhỏ trong cả một quá trình dài.

Công nghệ tuyển dùng bao nhiêu hóa chất? Sau đó sang công nghệ chế biến thì dùng những loại acid gì? Máy lọc gì? Nó là cả một vấn đề, cả một bài toán hóc búa cần tìm ra lời giải", ông Sơn lưu ý.

Theo TS. Nguyễn Thành Sơn, nguy cơ ô nhiễm môi trường không chỉ hiện hữu riêng đối với khai thác và chế biến đất hiếm mà đối với rất nhiều khoáng sản khác, quan trọng là chủ đầu tư nhìn nhận vấn đề này như thế nào. Có những chủ đầu tư gian lận để giảm chi phí, sau khi khai thác xong thì "ù té", bỏ lại hàng loạt hệ lụy về môi trường ở phía sau.

"Các vấn đề liên quan đến môi trường không phải là không xử lý được, quan trọng là xử lý đến mức độ nào? Hiệu quả kinh tế đến đâu? Bởi lẽ, nếu xử lý các vấn đề môi trường thì hiệu quả kinh tế sẽ giảm. Chính vì vậy, nếu xử lý môi trường đến mức độ chấp nhận được mà vẫn có hiệu quả kinh tế thì hãy làm", vị chuyên gia kỹ thuật mỏ nhấn mạnh.

{