Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã vượt mốc 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm ngoái. Mức tăng này gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy tín dụng đang có những bước tiến rõ rệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi.

Nửa đầu năm 2025, tín dụng được thúc đẩy nhờ nhu cầu vay vốn của cả doanh nghiệp và người dân đang gia tăng. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, dòng vốn rẻ tiếp tục chảy vào nền kinh tế.
Tại VietinBank, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,1% tính đến ngày 10/6 – mức cao nhất trong nhóm ngân hàng quốc doanh. Chủ tịch Trần Minh Bình cho biết ngân hàng đang ưu tiên tài trợ cho các dự án hạ tầng quy mô lớn, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế thông qua việc cấp vốn cho các dự án kết nối khu vực.
Tại Shinhan Bank Việt Nam, tín dụng tăng 6,5% với cấu trúc dư nợ có sự dịch chuyển đáng kể: giảm tỷ trọng bán lẻ, tăng cho vay doanh nghiệp – một dấu hiệu cho thấy các nhà băng đang điều chỉnh chiến lược theo biến động của thị trường.
MBS dự báo một loạt ngân hàng sẽ đạt tăng trưởng tín dụng tích cực trong quý II: VPBank 12%, Eximbank 13%, VietinBank 10%, HDBank 6%, OCB 7%...
Với đà tăng hiện tại, mục tiêu tín dụng 16% trong năm 2025 được đánh giá là trong tầm tay, thậm chí có thể vượt nếu GDP đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên như kỳ vọng. NHNN cũng cho biết sẽ sẵn sàng nới room tín dụng trong những tháng cuối năm nếu nền kinh tế cần thêm động lực.
Dù bức tranh tín dụng cho thấy nhiều điểm sáng, song giới chuyên gia cũng đồng loạt lên tiếng cảnh báo. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã lên tới 134% vào cuối năm 2024, mức được đánh giá là “đáng lo ngại”.
Tại nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh rằng việc nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào vốn vay có thể khiến hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro mất cân đối. Trong dài hạn, điều này không chỉ đe dọa sự ổn định của ngành ngân hàng mà còn có thể gây hệ lụy đến toàn bộ nền kinh tế.
Khi tín dụng tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP, gánh nặng nợ trong khu vực dân cư và doanh nghiệp ngày càng lớn. Tình trạng này có thể khiến người vay bị bào mòn khả năng chi tiêu, đầu tư và trả nợ – các yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững.
Thêm vào đó, tín dụng đang có xu hướng chảy vào các lĩnh vực có tài sản đảm bảo dễ định giá như bất động sản, trong khi khu vực đổi mới sáng tạo – vốn được kỳ vọng làm động lực tăng trưởng dài hạn – lại chưa thực sự tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Tỷ trọng cho vay công nghệ cao vẫn rất thấp dù đã có nhiều chính sách khuyến khích từ Nhà nước.
Đây là hệ quả của cơ chế tín dụng hiện hành vẫn thiên về tài sản thế chấp, chứ chưa hướng tới khả năng sinh lời hay đổi mới sáng tạo. Về dài hạn, nếu dòng vốn tiếp tục lệch vào khu vực bất động sản, điều này sẽ kìm hãm năng suất tổng thể của nền kinh tế.
Trước thực tế đó, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách linh hoạt, tùy theo diễn biến thực tế. Chính sách tiền tệ sẽ được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định lạm phát và thị trường tiền tệ.
Ngoài ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính, cần có kế hoạch cụ thể để cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư công trọng điểm. Nếu không chủ động, việc dồn gánh nặng sang hệ thống ngân hàng sẽ làm gia tăng áp lực và rủi ro tín dụng trong trung và dài hạn.