Công ty công nghệ châu Á gặp khó khăn về vốn

admin
Gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng một phần ba số doanh nghiệp lớn ở các nước châu Á mới nổi, đang phát triển gặp khó khăn trong việc huy động vốn.

Một báo cáo mới đây của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã chỉ ra xu thế số hoá đang phát triển mạnh mẽ tại khu vực châu Á. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn thử thách đối với lĩnh vực số hoá và công nghệ.

Theo báo cáo, hiện khu vực châu Á chiếm gần 60% doanh số bán lẻ trực tuyến của thế giới. Doanh thu thương mại điện tử đã tăng 40-50% ở Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ vào năm 2020, vượt xa hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng một phần ba số doanh nghiệp lớn ở các nước châu Á mới nổi và đang phát triển lại gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Đây được xem là rào cản lớn đối với việc áp dụng công nghệ.

Cùng với đó, những hạn chế như khan hiếm lực lượng lao động am hiểu kỹ thuật số, những hạn chế về môi trường pháp lý, kể cả thiếu quy định đầy đủ về bảo vệ dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ đã cản trở chia sẻ thông tin và niềm tin vào việc áp dụng công nghệ.

Tại khu vực Đông Nam Á, ngành công nghệ đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn sau vài năm bùng nổ do triển vọng tăng trưởng toàn cầu thấp hơn cũng như bối cảnh địa chính trị và chính sách phức tạp. Ông Jia Jih Chai, đồng sáng lập và là CEO Công ty thương mại điện tử Rainforest (trụ sở tại Singapore), nói rằng các nhà sáng lập đang tỏ ra thận trọng với tình hình hiện nay nên cần quản lý và cơ cấu lại hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo tương lai phát triển.

Ảnh minh hoạ

Có nhiều dấu hiệu cho thấy ngành công nghệ khu vực đang bước vào giai đoạn suy thoái, nhu cầu của khách hàng trong năm 2023 có thể giảm. Các công ty công nghệ đã “quá lạc quan” về sự phục hồi sau đại dịch Covid-19, đồng thời đánh giá thấp tác động của việc phát triển đội ngũ nhân sự công nghệ quá nhanh, trong khi đó lại quên đi việc phát triển bền vững.

Ông Daljit Sall, Tổng Giám đốc công nghệ của Công ty nhân lực Randstad Singapore cho biết, thay vì thuê nhân viên hợp đồng để linh hoạt hơn trong quản lý lực lượng lao động, các công ty công nghệ lại tuyển dụng lao động toàn thời gian với mức lương cao. Đơn cử như ở Singapore, Sea đã tích cực tuyển dụng các kỹ sư được săn đón nhiều, hứa hẹn lương cao gấp đôi so với các đối thủ.

Các công ty công nghệ Đông Nam Á cắt giảm nhân sự nhằm phát triển bền vững thay vì “đốt tiền để giành thị phần”, đồng thời tạo nguồn lực để tái cấu trúc và xây dựng lực lượng lao động phù hợp hơn. Jefrey Joe, đồng sáng lập và đối tác quản lý tại quỹ đầu tư Alpha JWC Ventures có trụ sở tại Indonesia cho biết, trước đây các công ty được thiết kế để tăng trưởng nhanh. Vì vậy, cần phải có thay đổi để chuyển sang tăng trưởng bền vững. Hơn nữa, hiện nay, các công ty công nghệ khởi nghiệp ở Đông Nam Á như Sea Group hay Grab vẫn chưa có lãi, thậm chí đang thua lỗ hàng tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, nhiều người trong ngành công nghệ tin rằng đây không hẳn là tin xấu bởi việc sa thải hàng loạt nhân sự sẽ giúp chọn lọc ra được đội ngũ xuất sắc, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong tương lai. Hơn nữa, các đợt cắt giảm nhân sự thời gian qua chủ yếu là nhân sự “phi công nghệ”. Sự điều chỉnh này sẽ thúc đẩy để các nhân sự công nghệ cao có điều kiện hưởng mức lương cao hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện nay, hầu hết công ty công nghệ lớn ở khu vực Đông Nam Á vẫn đang thua lỗ, điểm hòa vốn sẽ phải mất từ một đến hai năm nữa. Hơn nữa, kinh tế kém phát triển, lạm phát gia tăng ngày càng đè nặng lên các nền kinh tế, khiến môi trường tài chính yếu đi. Do đó, việc cắt giảm chi phí và nhân sự sẽ tiếp tục diễn ra.

VietQ

{