Cấm xe xăng dầu tại các quốc gia châu Á: Lộ trình và chính sách hỗ trợ ra sao?
Theo dõi KTMT trên
Việc cấm xe xăng dầu đã trở thành trào lưu không chỉ ở các nước phương Tây phát triển, mà ngay tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đã quyết tâm và thành công khi thực hiện nhờ có lộ trình rõ ràng, cụ thể cũng như chính sách hỗ trợ thân thiện từ chính phủ.
Trong bối cảnh toàn thế giới hướng về mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 - Net Zero, không chỉ các nước phương Tây phát triển mà ngay cả các quốc gia châu Á cũng đang dần theo đuổi nghiêm túc những mục tiêu về khí hậu. Tính đến năm 2025, châu Á đã có 7 quốc gia ban hành đề án cấm xe xăng dầu, bao gồm: Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và mới đây là Việt Nam.
Lộ trình khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu chung
Nhằm mục đích chính là thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện, hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, 7 quốc gia châu Á này đều đã có những lộ trình riêng để thực hiện đề án cấm xe xăng dầu. Tuy nhiên, mức độ cam kết và thời gian thực hiện của mỗi quốc gia sẽ khác nhau phụ thuộc vào nền kinh tế và hạ tầng giao thông khác nhau.

Được đánh giá là quốc gia có mô hình thành công nhất châu lục, Trung Quốc hiện nay đã triển khai cấm xe xăng dầu một phần tại một số tỉnh. Trên thực tế, tỉnh Hải Nam là đơn vị được lựa chọn thí điểm đầu tiên của Trung Quốc. Mặc dù đề án cấm xe xăng dầu tại Trung Quốc vẫn chưa diễn ra trên phạm vi toàn bộ nhưng quốc gia này đã có lộ trình rõ ràng. Từ năm 2017, tỉnh Hải Nam đã đề ra mục tiêu cấm bán xe xăng dầu mới từ năm 2030 trong toàn tỉnh. Đây là tỉnh đầu tiên và duy nhất ở Trung Quốc có những động thái rõ ràng nhất về lệnh cấm này. Các thành phố lớn khác như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến cũng đã cân nhắc tới việc cấm xe xăng dầu, tuy nhiên vẫn chưa triệt để.
Kế đến là quốc đảo Singapore đã chính thức cấm xe xăng dầu mua mới từ năm 2030. Đồng thời chính phủ Singapore cũng hướng tới hệ thống giao thông không phát thải vào giai đoạn năm 2040. Từ ngày 1/1/2025, Singapore đã cấm đăng ký mới với xe ô tô và taxi chạy bằng xăng dầu. Đến năm 2030, tất cả xe ô tô và taxi mới đều phải chạy bằng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid cắm sạc hoặc hydrogen.
Ấn Độ - quốc gia Nam Á luôn đứng top đầu trong danh sách những đất nước ô nhiễm nhất thế giới cũng không để tụt hậu trên đường đua này khi có động thái cấm xe xăng dầu rõ ràng. Quốc gia này tuy không thực hiện lệnh cấm trên phạm vi cả nước nhưng cũng đã có những mục tiêu chuyển đổi rõ ràng. Cụ thể, từ năm 2030, Ấn Độ đề xuất số lượng xe điện bán mới phải đạt 30%. Trong đó, một số bang lớn như Delhi cũng đặt mục tiêu cấm xe xăng dầu từ năm 2030.
Là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về lĩnh vực sản xuất ô tô nên lộ trình cấm xe xăng dầu tại Nhật Bản dường như có sự khác biệt so với những quốc gia châu Á khác. Chính phủ Nhật Bản không cấm hoàn toàn xe xăng dầu, mà thay vào đó là thúc đẩy xe hybrid xăng điện và xe điện. Theo dự kiến, Nhật sẽ cấm bán xe xăng dầu vào khoảng năm 2035, tức là muộn hơn so với các quốc gia châu Á khác tới 5 năm. Trong khi đó, xe hydrid xăng điện vẫn được cho phép bán mới tại đất nước mặt trời mọc này.
Hàn Quốc, một quốc gia sản xuất ô tô lớn không kém cũng đang có những cam kết cấm xe xăng dầu, thể hiện qua những hành động cụ thể. Từ năm 2025, thành phố Seoul đã cấm các xe cũ chạy dầu hoạt động trong nội đô. Đến năm 2035, chính phủ Hàn Quốc cũng hướng tới mục tiêu ngừng bán xe xăng dầu.
Nền kinh tế lớn thứ 5 châu Á - Indonesia đã gây ấn tượng với mục tiêu dài hạn tới năm 2050 sẽ không còn xe xăng dầu trên đường phố của mình. Mục tiêu ngắn hạn trong năm 2025 này, Indonesia đang hướng tới đạt 20% xe điện trên toàn quốc. So với những quốc gia khác, Indonesia được đánh giá là quốc gia có mục tiêu chuyển đổi rõ ràng.
Tham gia đường đua vào thời điểm muộn nên vào tháng 7/2025, Việt Nam mới công bố chỉ thị cấm xe xăng dầu kể từ tháng 7/2026. Theo lộ trình, tới thời điểm này nội đô sẽ không còn xe xăng dầu. Đến tháng 1/2028, xe xăng dầu sẽ bị hạn chế lưu thông ở vành đai 1, vành đai 2 và tiếp tục mở rộng sang vàng đai 3 từ năm 2030.
Chính sách hỗ trợ tại từng quốc gia như thế nào để thực sự hạn chế được xe xăng dầu?
Trong số 7 quốc gia đang thực hiện mục tiêu cấm xe xăng dầu, chuyển đổi sang xe năng lượng bền vững, Trung Quốc được đánh giá là mô hình thành công và hiệu quả nhất nhờ chính sách trợ cấp khổng lồ và kéo dài từ năm 2009 đến 2022. Những khoản trợ cấp này được trực tiếp giảm cho người tiêu dùng mua xe sử dụng nhiên liệu sạch trong các giai đoạn khác nhau. Sau đó là chính sách ưu đãi thuế và phi tài chính từ năm 2014 tới nay. Ngoài ra, Trung Quốc còn đầu tư rất lớn vào hạ tầng sạc và sản xuất pin. Tính đến cuối năm 2023, quốc gia này đã xây dựng tổng cộng hơn 2 triệu trạm sạc. Đây được coi là hệ thống trạm sạc điện lớn nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt những khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất pin được hỗ trợ rất nhiều từ ưu đãi đất đai cho tới vốn vay, đầu tư và phát triển… Hiện nay, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về cả sản xuất lẫn tiêu thụ xe điện.

Nói về mức độ hiệu quả, Singapore cũng là một trong những cái tên đáng để học hỏi. Trong khoảng thời gian từ nă, 2021 đến 2024, tỷ lệ xe điện đã tăng từ mức dưới 1% lên 15% trên tổng số xe mua mới. Để làm nên sự tăng trưởng thần tốc này, Singapore đã có chính sách hỗ trợ vô cùng minh bạch và nhất quán từ tài chính, hành chính cho tới phát triển hạ tầng. Hệ thống thuế, phí xe cộ tại Singapore được điều chỉnh linh hoạt để định hướng hành vi cho người dân. Ví dụ như xe điện mới được giảm tới 45% phí đăng ký bổ sung; xe phát thải thấp được giảm trừ thuế trong khi xe phát thải cao phải đóng khoản phí phạt. Để hỗ trợ lắp đặt, chính phủ đã cung cấp gói tài chính giúp đặt trạm sạc điện tại các khu chung cư, nhà cao tầng. Chi phí lắp đặt đầu tiên được chính phủ nước này hỗ trợ lên tới 50%. Singapore hướng tới lắp đặt 8.000 điểm sạc tại các chung cư vào năm 2030.
Hàn Quốc cũng là quốc gia đạt doanh số xe điện khá cao trong năm 2024 với khoảng 20%. Điều này là nhờ chính sách trợ giá mạnh tay đến 80% từ phía chính phủ. Song song với đó, Hàn Quốc cũng đầu tư lớn vào sản xuất pin. Trước tình hình biến động từ mối quan hệ Mỹ - Trung, Hàn Quốc vẫn có những bước ứng biến nhanh và kịp thời.
