Vốn giá cao ế trong kho, lãi suất cho vay không thể giảm nhanh

admin
Mặc dù lãi suất cho vay có xu hướng hạ nhiệt nhưng khó giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết. Cầu tín dụng thấp, vốn ế, nhiều ngân hàng đang "đỏ mắt" tìm khách tốt để cho vay.

Nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay

Cùng với việc giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng đã có động thái điều chỉnh hạ lãi suất cho vay với mức giảm từ 0,3-3 điểm %.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, ngân hàng này tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Theo đó, với các khoản vay hiện hữu, TPBank thực hiện giảm từ 0,2-1% lãi suất khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất.

Với các khoản vay mới, TPBank đang áp dụng ưu đãi giảm lãi suất lên tới 3,6% như khi vay mua nhà, mua ô tô hay vay để kinh doanh, các khoản vay mới của cá nhân đều được giảm từ 1-2% lãi suất.

Về phần khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất cho vay lên tới 3,6% đối với khách hàng doanh nghiệp thuộc nhóm ngành trọng tâm hay khách hàng vay mua xe.

Cùng xu hướng, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo đẩy mạnh gói ưu đãi lãi suất vay, quy mô được tăng từ 20.000 tỷ đồng lên mức 30.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân với ưu đãi lãi suất vay thấp hơn biểu lãi suất tối đa đến 3%/năm. Bên cạnh đó, ACB vẫn duy trì chính sách giảm từ 0,5% đến 2% cho khách hàng hiện hữu có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất.

Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại để bàn về lãi suất. Theo đó, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% đối với dư nợ hiện hữu, nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
Không chỉ ngân hàng tư nhân mà các "ông lớn" ngân hàng Nhà nước cũng tham gia vào cuộc đua giảm lãi suất cho vay.

Tại một cuộc họp với NHNN, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết, từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã có hai đợt giảm lãi suất. Đợt 1 từ 1-1 đến 30-4, giảm 0,5%/năm cho 130.000 khách hàng. Đợt 2 từ 1-5 đến 31-7, ngân hàng này giảm lãi suất cho khoảng 110.000 khách hàng.

Còn Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, từ nay đến ngày 30/9, Agribank giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung-dài hạn hiện hữu của khách hàng. Uớc tính, khoảng hai triệu khách hàng sẽ được hỗ trợ với tổng số tiền được giảm theo chương trình là hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giảm biểu lãi suất cơ sở từ 0,5-1 điểm % so với hồi đầu năm và hạ lãi suất tham chiếu để nhằm giảm lãi suất cho vay.

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cho biết, kể từ ngày 20/5/2023, nhà băng này hạ lãi suất cơ sở cho vay 0,3%/năm đối với khách hàng cá nhân, về mức 11,2%/năm. Đồng thời, ABBank cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm đối với cho vay ưu đãi ngắn hạn (mục đích vay vốn phục vụ bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh, lãi suất cho vay chỉ từ 7,6%/năm) và giảm từ 1-2%/năm đối với cho vay ưu đãi trung hạn (lãi suất giảm xuống còn từ 11%/năm).

Trong khi đó, từ ngày 22/5, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) giảm lãi suất tham chiếu đối với khách hàng cá nhân vay có tài sản đảm bảo xuống 0,5% đối với vay ngắn hạn, trung, dài hạn. Cụ thể, lãi suất tham chiếu cho khoản vay thế chấp ngắn hạn là 10,1%. Lãi suất tham chiếu cho khoản vay thế chấp trung, dài hạn là 11,1%.

Bên cạnh đó, từ ngày 22/5, MSB điều chỉnh giảm lãi suất cơ sở đối với các khoản vay không tài sản đảm bảo xuống 1%; lãi suất cơ sở đối với khoản vay tín chấp trung dài hạn là 17%; lãi suất cơ sở đối với khoản vay tín chấp ngắn hạn là 16,5%.

Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc NHNN, đến nay, mặt bằng lãi suất cơ bản đã ổn định. Lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm. So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 6,1%/năm, giảm 0,37%/năm, còn lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới khoảng 9,07%/năm, giảm 0,9%/năm so với cuối năm 2022.


Lãi suất cho vay khó giảm nhanh

Thực tế, thời gian qua, dù đã có xu hướng hạ nhiệt nhưng mức giảm của lãi suất cho vay chưa thể tương ứng với mức giảm lãi suất huy động.

Nhiều khách hàng vay vốn vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi suất vay với dư nợ cũ do chi phí vay vốn tùy thuộc vào việc ngân hàng còn tồn một lượng vốn đã huy động lãi suất cao trước đó bao nhiêu.

Hiện nhiều khách hàng vay vốn vẫn chưa được ngân hàng giảm lãi vay với dư nợ cũ. Với các khoản vay cũ, không ít khách hàng cá nhân vay mua ô tô, nhà ở,… vẫn phải chịu mức lãi suất cho vay phổ biến 12-14%/năm. Mức lãi suất này tạo áp lực tài chính lớn cho người vay.

Các ngân hàng cho biết lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa "tiêu hóa" hết.

Lượng tiền cho vay hiện nay đến từ giai đoạn các ngân hàng huy động lãi suất cao trong cuối năm 2022 và đầu quý I/2023. Hiện các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cao cho số tiền huy động này nên chưa thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức.

Trong khi đó, cung - cầu tín dụng biến đổi quá nhanh. Cuối năm ngoái, cầu lớn nhưng ngân hàng thiếu room. Đầu năm nay, thanh khoản bắt đầu dồi dào thì cầu tín dụng lại rất yếu khiến cho vốn đã huy động vẫn chưa thể giải ngân được. Điều này khiến ngân hàng đang ế một lượng “vốn đắt” rất lớn.

Cùng với đó, các khoản huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn trong khi các khoản cho vay dài hạn lại chưa thu hồi được trong bối cảnh khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, các khoản huy động cũ lãi suất cao chưa đáo hạn,… nên các ngân hàng vẫn chưa có cơ sở để giảm mạnh lãi suất cho vay.

Các ngân hàng thương mại cho biết sẽ giảm 0,3-0,5% lãi vay với khách hàng hiện hữu, song chỉ áp dụng với một thời gian hoặc với gói tín dụng nhất định, chưa thể áp dụng sâu rộng. Nguyên nhân xuất phát từ việc chi phí vốn của các ngân hàng vẫn còn đang rất cao.

Lãi suất cho vay dự kiến sẽ giảm về mức trước dịch sau vài tháng nữa, khi các ngân hàng thương mại “hấp thụ” hết lượng vốn giá cao trước đây.

Có nghịch lý là nhiều ngân hàng đang "đỏ mắt" tìm khách tốt để cho vay với lãi suất thấp nhưng tìm không ra, trong khi khách hàng sẵn sàng vay nhưng ngân hàng không dám giải ngân vì sợ rủi ro.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn cho hay các ngân hàng cũng chịu áp lực tăng trưởng tín dụng, gắn liền với KPI, nhưng tìm "đỏ mắt" cũng không có khách hàng thỏa tiêu chí như mong đợi để cho vay.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc NHNN giảm lãi suất điều hành tới ba lần trong hơn hai tháng qua nhưng lãi suất cho vay chưa theo kịp với mức giảm của lãi suất huy động là vì ngân hàng lo ngại rủi ro cho sức khỏe doanh nghiệp.

"Trong tương lai lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm mạnh hơn nhưng với điều kiện các yếu tố kinh tế thuận lợi và sức khỏe doanh nghiệp tốt lên", ông Hiếu nhận định.

{