Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt 18-20%

KBSV kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể đạt 18-20%. Lãi suất huy động được dự báo có thể gia tăng trở lại để tối ưu chi phí vốn và phục vụ cho đẩy mạnh tín dụng cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đạt 9,9%, cao hơn cùng kỳ hai năm gần nhất. Các chuyên gia nhận định mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong nửa đầu năm là kết quả của chính sách nới lỏng để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng khi các ngân hàng thương mại với nhiệm vụ duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp, bên cạnh việc tham gia vào các gói vay ưu đãi hỗ trợ nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế.

Theo đó, mặt bằng lãi suất thấp đã được duy trì kể từ nửa cuối năm 2024 đến nay nhờ môi trường vĩ mô trong nước vẫn tương đối thuận lợi khi lạm phát ở mức dưới 4%, trong khi tỷ giá vẫn dao động trong biên độ cho phép (+/-4%). Báo cáo từ NHNN cho thấy lãi suất cho vay trung bình của nền kinh tế hiện tại ở mức 6,38% - giảm 0,8% so với cuối năm 2024.

Việc tín dụng tăng tốc trở lại ngay trong giai đoạn đầu năm đã khiến tỷ lệ LDR thuần (Loan to Deposit ratio – tỷ lệ cho vay/huy động TT1) của nhiều ngân hàng tăng mạnh lên trên mức 100%. Dù vậy, tình hình thanh khoản hệ thống vẫn tương đối ổn định nhờ sự hỗ trợ của NHNN, bao gồm việc tăng tiền gửi kho bạc ở các ngân hàng quốc doanh; sử dụng các công cụ trên thị trường mở; giải ngân các khoản vay đặc biệt 0% cho các ngân hàng tiếp nhận tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.

tang-truong-tin-dung-2025-1753677450.jpeg Tín dụng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm. Ảnh: MBS Research
 

Trong một nhận định mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá mặt bằng lãi suất cho vay đã tạo đáy và sẽ tiếp tục duy trì ở vùng hiện tại ít nhất cho đến hết năm 2025,  phù hợp với chính sách nới lỏng của Chính phủ.

Theo các chuyên gia, Chính phủ gần đây đã phát đi thông điệp phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,3-8,5% và để đạt được mục tiêu tham vọng này, tín dụng sẽ đóng góp một vai trò quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh các trụ cột tăng trưởng kinh tế chính đến từ lĩnh vực đầu tư công và tiêu dùng nội địa. 

Trong bối cảnh đó, duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp. Cùng với đó, kết hợp triển khai các chính sách thúc đẩy kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công sẽ đưa tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mức khả quan. 

KBSV kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 có thể đạt 18-20%. Lãi suất huy động theo đó cũng được dự báo có thể gia tăng trở lại để tối ưu chi phí vốn và phục vụ cho đẩy mạnh tín dụng cuối năm. 

Trong những tháng gần đây, cơ cấu huy động của các ngân hàng thương mại đang có sự dịch chuyển sang tiền gửi kho bạc (nhóm quốc doanh), hoặc tăng huy động từ phát hành giấy tờ có giá (NHTM tư nhân). Xu hướng này được nhận định có thể làm tăng chi phí huy động của các NHTM tư nhân do chi phí phát hành giấy tờ có giá thường cao hơn huy động từ khách hàng.

Do vậy, KBSV cho rằng nhiều khả năng lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ có thể tăng trở lại trong giai đoạn cuối năm để tối ưu chi phí vốn và phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.

Thực tế, trong khoảng vài tuần gần đây, đà giảm của lãi suất huy động đã chững lại với rất ít ngân hàng điều chỉnh giảm và biên độ giảm hẹp. Trong tháng 6, thị trường chỉ ghi nhận 3 ngân hàng (LPB, BAB, và VPB) điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1%-0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn khác nhau. Đến cuối tháng 6, trung bình lãi suất kỳ hạn 12 tháng của nhóm NHTM giảm 17 điểm cơ bản so với đầu năm về mức 4,87%, trong khi lãi suất của nhóm các NHTM quốc doanh vẫn giữ ổn định ở mức 4,7%. 

Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn dài của một số ngân hàng tư nhân đã có mức điều chỉnh tăng nhẹ, nhiều khả năng để gia tăng nguồn cho tăng trưởng tín dụng đẩy mạnh vào giai đoạn cuối năm.