Rà soát, sửa đổi chính sách lĩnh vực xây dựng để phát triển kinh tế tư nhân

Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị, bất động sản, xây dựng, nhà ở xã hội...

Ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh vừa ký Quyết định số 1055 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân.

Kế hoạch nhằm cụ thể hóa và thực hiện đầy đủ, đồng bộ, nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Đây là cơ sở để các đơn vị trong ngành xây dựng triển khai công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình, hướng đến mục tiêu đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân.

chinh-sach-xay-dung-1752633128.webpTheo kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động trong toàn ngành, tạo khí thế mới cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
 

Các cơ quan, đơn vị trong ngành cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến nội dung các Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần nâng cao nhận thức và hành động thực chất. Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh vai trò, vị trí và tiềm năng của kinh tế tư nhân trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đặc biệt, các đơn vị phải cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết thành nhiệm vụ định lượng, rõ ràng, có thể đo lường và đánh giá được theo từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình.

Bộ cũng khuyến khích mời các doanh nhân thành đạt tham gia chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng khởi nghiệp, tạo dựng môi trường cởi mở, thân thiện giữa khu vực quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Một nhóm nhiệm vụ trọng tâm khác là đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, chính sách. Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị, bất động sản, xây dựng, nhà ở xã hội...

Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; loại bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm chi phí tuân thủ pháp luật, bãi bỏ các thủ tục chồng chéo, không phù hợp thực tiễn.

Các đơn vị cũng cần ứng dụng chuyển đổi số một cách triệt để nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính năm 2025-2026.

Công bố công khai quy trình, thủ tục, kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử. Tăng cường kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, lạm dụng quyền hạn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Triển khai công cụ cảnh báo sớm về nguy cơ vi phạm pháp luật cho doanh nghiệp, thông qua tích hợp dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng với doanh nghiệp, nhất là trong các dự án đầu tư công, hợp đồng tư vấn, xây lắp..., thể hiện rõ trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khu vực tư nhân.

Ngoài ra, yêu cầu chấm dứt tình trạng kiểm tra chồng chéo, trùng lặp nội dung. Mỗi doanh nghiệp chỉ bị kiểm tra một lần/năm (bao gồm cả kiểm tra liên ngành), trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng và cần kiểm tra đột xuất.

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, kế hoạch cũng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các đơn vị cần triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào các giải pháp như chuẩn hóa quản trị, minh bạch tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng và tăng cường kết nối với doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.