Ngân hàng và những lĩnh vực nào không thuộc diện giảm 2% thuế VAT

admin
UBTVQH đề nghị phạm vi áp dụng giảm thuế VAT 2% không mở rộng mà chỉ như đợt giảm thuế năm 2022, tức là loại trừ các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như: Dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,...

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về việc giảm thuế GTGT. Tại cuộc họp, UBTVQH đồng tình với việc trình Quốc hội xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) song không tán thành rộng phạm vi cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như: Dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,...

Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn.

hop-quoc-hoi-1683991346.jpegChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).
 

Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng lấy phần tăng thêm doanh thu, tăng thêm tổng mức bán lẻ để tăng bù lại thì đánh giá chưa rõ. Do đó, trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023 và nhấn mạnh cần thực hiện để vừa có phần giảm để kích cầu, lấy phần kích cầu đấy để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách.

hop-quoc-hoi-1-1683991346.jpegBộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).
 

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội và sẽ thực hiện theo ý kiến của Thường vụ Quốc hội để trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Với việc hụt thu ngân sách Quý I, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, khủng hoảng tổng cầu tác động đến các doanh nghiệp khiến nguồn thu ngân sách bị hụt giảm.

Cũng trong sáng 13/5,Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 23 sau 4,5 ngày làm việc. Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau 4,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 17 nội dung theo dự kiến, đồng thời giải quyết thêm hai nội dung bổ sung gồm cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng và việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Cho biết từng nội dung của phiên họp đều đã có kết luận cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội rà soát để sớm ban hành thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đến nay cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về tất cả các nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5. Bên cạnh đó vẫn còn một số nội dung còn dang dở cần sớm hoàn tất hồ sơ, cũng như tiến hành thẩm tra chính thức để gửi hồ sơ, tài liệu, báo cáo đến đại biểu Quốc hội.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội rà soát lại toàn bộ nội dung, lưu ý đối với những nội dung chưa bảo đảm đầy đủ yêu cầu về thủ tục, quy trình, chưa tổ chức thẩm tra toàn thể cần sớm xem xét, bố trí lịch để tổ chức thực hiện, gửi tài liệu sớm cho đại biểu Quốc hội theo đúng quy định.

{