Lãi suất cho vay hạ thấp, ngân hàng kích cầu tín dụng

Lãi suất cho vay bình quân tháng 4 tại nhiều nhà băng giảm nhẹ so với đầu năm. Mặt bằng lãi suất thấp tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

Lãi suất cho vay bình quân tại các ngân hàng hiện ra sao?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 4 vừa qua, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ dao động ở mức 6,6-8,9%/năm, con số này giảm nhẹ so với mức 6,6-9%/năm lãi suất cho vay bình quân trong tháng 3.

Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,9%/năm, con số này thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm).

Nhiều ngân hàng cũng mới công bố lãi suất cho vay bình quân trong kỳ tháng 4 vừa qua, trong đó nhiều nhà băng giảm nhẹ so với đầu năm.

Chẳng hạn, tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân tháng 4 là 5,6%/năm, giảm 0,1% so với kỳ tháng 1. BIDV công bố lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng 4 là 5,52%/năm, giảm 0,14% so với tháng đầu năm.

Lãi suất cho vay bình quân của Agribank trong tháng 4 là 6,6%/năm, thấp hơn 0,2% so với kỳ tháng 1. VietinBank có lãi suất cho vay bình quân tháng 4 là 5,42%/năm, thấp hơn 0,18% so với tháng 1.

Nhiều ngân hàng thương mại tư nhân cũng có lãi suất cho vay bình quân giảm so với đầu năm như TPBank, VIB, ACB, OCB, Techcombank, Sacombank,...

Trong đó, TPBank có lãi suất cho vay bình quân giảm nhiều nhất so với đầu năm, từ 8,55%/năm xuống còn 7,53%/năm.

Ở các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân thường cao hơn khách hàng tổ chức hoặc khác nhau giữa các kỳ hạn.

Đơn cử, tại TPBank, lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân là 8,24%/năm còn đối với khách hàng tổ chức 7,07%/năm.

lai-suat-cho-vay-kich-cau-1748329058.webp
 

Tuy nhiên, khách hàng cần lưu ý, lãi suất cho vay bình quân của các nhà băng không phải là lãi suất áp dụng đối với từng khoản vay cụ thể.

Lãi suất cho vay bình quân được hiểu là mức lãi suất cho vay bình quân của các khoản vay phát sinh trong kỳ.

Từ năm 2024, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn. Đây cũng là cơ sở để đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực quan trọng.

Theo giới chuyên gia, mức lãi suất cho vay bình quân của mỗi ngân hàng sẽ phụ thuộc vào chiến lược và phân khúc khách hàng tín dụng trọng tâm.

Vì thế, những ngân hàng có chiến lược phát triển bán buôn, tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn với các khoản vay sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động thường có kỳ hạn ngắn, hoặc cho vay các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với sẽ có mức lãi suất cho vay bình quân thấp.

Còn những nhà băng có thế mạnh về cho vay bán lẻ, tệp khách hàng tín dụng cá nhân là chủ yếu thì lãi suất cho vay bình quân sẽ cao hơn.

Mức lãi suất cho vay thực tế được áp dụng đối với mỗi khách hàng phụ thuộc vào mức độ rủi ro, năng lực tài chính và tài sản bảo đảm… Do đó, khách hàng cá nhân sẽ phải trả lãi suất cao hơn so với lãi suất cho vay bình quân mà ngân hàng công bố.

Mặt bằng lãi suất thấp kích cầu tín dụng

Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm là một trong những yếu tố tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng.

Tính đến ngày 18/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 16,28 triệu tỷ đồng, tăng 4,27% so với cuối năm 2024 và tăng 18,25% so với cùng kỳ năm 2024. Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và vào các động lực tăng trưởng, theo chỉ đạo của Chính phủ.

lai-suat-cho-vay-kich-cau-1-1748329058.webp
 

Từ đầu năm nay, NHNN có nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận tín dụng như đơn giản thủ tục vay vốn, triển khai nhiều chương trình ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Để kích cầu tăng trưởng tín dụng, ngày 15/4, NHNN ban hành công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại triển khai chương trình tín dụng đặc biệt dành riêng cho lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với quy mô tổng thể lên đến 100.000 tỷ đồng. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh hợp lệ thuộc các lĩnh vực nêu trên. Các khoản vay sẽ được giải ngân đến khi tổng doanh số cho vay của toàn hệ thống đạt mốc 100.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, NHNN đặt mục tiêu năm 2025 tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, gấp đôi chỉ tiêu tăng trưởng GDP. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn, cơ quan này đã thông báo công khai, minh bạch về nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ đầu năm.

Chính phủ và NHNN cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phát triển sản xuất - kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, bám sát chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại đã tích cực tiết giảm chi phí để có điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tại các ngân hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục duy trì ở mức thấp, từ 3,9%/năm. Ðây là một động thái của các nhà băng nhằm thúc đẩy những ngành kinh tế trọng yếu, có thể tạo ra hiệu quả kinh tế lớn trong dài hạn như: nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xuất khẩu, các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và đổi mới sáng tạo.

Việc áp dụng mức lãi suất ưu đãi này đã và đang giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng tiếp cận vốn vay, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế chiến lược.

Có thể thấy, chính sách duy trì lãi suất thấp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đảm bảo sự bền vững của chính sách lãi suất thấp, nhà điều hành không chỉ áp dụng các biện pháp cắt giảm lãi suất mà còn phối hợp chặt chẽ với các công cụ tiền tệ khác như mua bán ngoại tệ, nghiệp vụ thị trường mở và điều hành tỷ giá linh hoạt. Ngoài ra, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cũng là yếu tố then chốt để bảo đảm ổn định vĩ mô và tạo nền tảng cho sự tăng trưởng dài hạn.