Giá vàng và ngoại tệ ngày 29/3: Vàng tăng phi mã, USD vượt mốc 104,5

admin
Trên thế giới, hầu hết các chuyên gia đều tỏ ra lạc quan về giá vàng trong thời gian tới khi cho rằng, kim loại quý được hỗ trợ mạnh bởi kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Sáng 29/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng mạnh với vàng giao ngay tăng 38,8 USD lên 2.233 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.254,8 USD/ounce, tăng 61,4 USD so với rạng sáng qua.

Với giá vàng trong nước tiếp đà tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.233 USD/ounce (tương đương gần 67,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn xuống khoảng gần 14 triệu đồng.

Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong ngày 28/3 (giờ Mỹ) và ghi nhận tháng hoạt động tốt nhất trong hơn 3 năm nhờ được thúc đẩy bởi kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ và nhu cầu trú ẩn an toàn mạnh mẽ. Vàng giao ngay đã tăng gần 2%, đánh dấu tháng tốt nhất kể từ tháng 7/2020 với mức tăng 9% và là quý tăng thứ 2 liên tiếp.

Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities đánh giá các nhà giao dịch đang có vị thế tốt và dự báo vàng có thể tăng hơn nữa nếu thị trường bắt đầu kỳ vọng chu kỳ cắt giảm sâu hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ghali nói thêm rằng, kim loại quý này có khả năng giữ được mức cao này trong thời gian ngắn trước khi sức mua cạn kiệt.

Vượt 2.200 USD/ounce, vàng thế giới tiến sát mức cao kỷ lục. Ảnh minh hoạ

Về giá vàng tương lai, theo thống kê công cụ FedWatch của CME Group, 72% nhà đầu tư dự đoán rằng, khả năng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.

Các nhà phân tích hàng hóa của tại ngân hàng BMO Capital Markets dự đoán, giá vàng trung bình trong năm nay sẽ dao động trong khoảng 2.169 USD/ounce, tăng 11% so với dự báo trước đó. Đặc biệt, trong quý IV, BMO dự báo giá vàng trung bình sẽ đạt khoảng 2.250 USD/ounce, tăng 13% so ước tính trước đó.

Ông Matt Simpson, nhà phân tích cấp cao tại City Index cho biết, giá vàng khó có thể giảm quá sâu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị kéo dài và khả năng ngân hàng trung ương các nước đang có xu hướng cắt giảm lãi suất.

Tại thị trường trong nước, chốt phiên 28/3, giá vàng miếng 9999 tại SJC TP.HCM là 79 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC Hà Nội niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81,02 triệu đồng/lượng (bán ra). DOJI Hà Nội niêm yết ở mức 79 triệu đồng/lượng (mua vào) và 81 triệu đồng/lượng (bán ra). DOJI TP.HCM mua vàng SJC ở mức 79 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 81 triệu đồng/lượng.

Cũng liên quan đến giá vàng, tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra chiều 28/3, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đồng thời, đề xuất các chính sách đầu tư, xây dựng trong đó có nhà ở xã hội, chính sách kích cầu nội địa, thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư tư nhân, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Đối với thị trường vàng, các chuyên gia khẳng định mục tiêu "chống vàng hóa" đã thành công, đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC.

Sau khi nghe các ý kiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái bày tỏ đồng tình với đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Phó Thủ tướng ghi nhận và giao NHNN - cơ quan thường trực của Hội đồng - nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng giao NHNN rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 29/3:

Sáng 29/3 (theo giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,18%, đạt mốc 104,53.

Đồng USD tăng giá vào phiên giao dịch vừa qua, trước khi dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố vào hôm nay 29/3.

Đồng tiền Nhật Bản giảm, hiện mức 151,38/USD, sát mốc 152, mức thấp nhất kể từ năm 1990, khi các quan chức tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản đề nghị họ sẵn sàng can thiệp để ngăn chặn sự sụt giảm thêm nữa của đồng yên Nhật.

Ở một diễn biến khác, đồng euro hiện ở mốc 1,0775 USD, mức thấp nhất trong 5 tuần và chốt phiên giao dịch giảm 0,34%. Đồng bảng Anh suy yếu 0,15% xuống mức 1,262 USD.

Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 29/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức 24.003 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.153 đồng. Tỷ giá Euro tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm nhẹ, hiện ở mức: 24.667 đồng – 27.264 đồng.

{