Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, MCK: FRT, sàn HoSE) vừa công bố văn bản báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu của công ty.
Theo đó, ngày 13/5/2025, nhóm quỹ ngoại Dragon Capital do bà Trương Ngọc Phượng làm đại diện đã thông qua 5 quỹ thành viên để bán ra thành công 310.900 cổ phiếu FRT.
Cụ thể, quỹ thành viên DC Developing Markets Strategies Public Limited Company bán ra 52.500 cổ phiếu FRT; quỹ Hanoi Investment Holdings Limited bán ra 52.800 cổ phiếu; quỹ Norges Bank bán ra 72.800 cổ phiếu; quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 12.800 cổ phiếu và quỹ Wareham Group Limited bán ra 120.000 cổ phiếu.

Sau giao dịch thành công, số lượng cổ phiếu FRT do Dragon Capital giảm từ hơn 13,67 triệu cổ phiếu xuống còn hơn 13,36 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 10,036% xuống còn 9,8078% vốn tại FPT Retail.
Tạm tính giá cổ phiếu FRT theo phiên giao dịch đóng cửa ngày 13/5/2025 là 175.000 đồng/cổ phiếu, ước tính quỹ ngoại này đã thu về khoảng hơn 54,4 tỷ đồng từ giao dịch bán ra cổ phiếu nêu trên.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 11.669,8 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp đạt hơn 2.324,5 tỷ đồng, tăng 28,6%.
Trong kỳ, doanh nghiệp còn ghi nhận gần 37,9 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 49,8% so với cùng kỳ. Cùng chiều, chi phí tài chính tăng 46,4%, lên mức gần 88,7 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 15,1%, lên mức gần 1.588,2 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ gần gần 302,5 tỷ đồng lên gần 418,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản thuế phí, FPT Retail báo lãi ròng gần 212,8 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của FPT Retail tăng 5,1% so với đầu năm, lên mức hơn 16.636,1 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 58,7% tổng tài sản, ở mức gần 9.765,9 tỷ đồng; tiền và các khoản tương đương tiền hơn 3.391,1 tỷ đồng, chiếm 20,4% tổng tài sản.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả đang ở mức hơn 14.303,5 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 8.899,1 tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng nợ.