Đồng USD chật vật phục hồi kể từ 'Ngày giải phóng'

Đồng USD đã chật vật phục hồi kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế “Ngày giải phóng” vào đầu tháng 4. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng đà suy yếu của đồng bạc xanh vẫn chưa dừng lại, dù vị thế là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới của nó có vẻ vẫn an toàn trong ngắn hạn.

“Những lo ngại về thuế quan, nguy cơ suy thoái và tình hình tài khóa không bền vững của Mỹ đang gây sức ép lên thị trường”, các chiến lược gia tại BofA Global Research viết trong một báo cáo công bố ngày 22/5 về tỷ giá và thị trường tiền tệ.

Theo họ, đồng USD có khả năng tiếp tục mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường toàn cầu trong mùa hè năm nay.

dong-usd-1747987182.webpĐồng USD đã giảm giá so với các loại tiền tệ chính khác trong năm nay. (Ảnh: AFP/Getty Images)
 

Mặc dù chỉ số S&P 500 (SPX) đã phục hồi phần nào kể từ khi ông Trump khiến thị trường rúng động với các mức thuế quan quy mô lớn vào ngày 2/4, nhưng đồng USD vẫn chịu nhiều áp lực.

Chỉ số ICE U.S. Dollar Index (DXY), thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền mạnh khác, đã giảm gần 4% kể từ khi các mức thuế “ngày giải phóng” được áp dụng, theo dữ liệu từ FactSet.

Dù đồng USD có phần nhích dần nhờ vào thỏa thuận đình chiến thương mại kéo dài 90 ngày mà Mỹ và Trung Quốc đạt được đầu tháng này, các chuyên gia tại BofA vẫn giữ quan điểm tiêu cực trong trung hạn.

Họ cho rằng mức thuế hiện tại vẫn sẽ đẩy giá cả tăng lên và làm chậm lại đà tăng kinh tế, đồng thời bày tỏ lo ngại về “triển vọng không bền vững của chính sách tài khóa Mỹ”.

Ông Dario Perkins, chuyên gia kinh tế tại TS Lombard, nhận định trong một nghiên cứu công bố cùng ngày rằng đồng USD đang yếu đi khi các “liên minh địa chính trị, mô hình giao dịch và động lực đầu tư toàn cầu đang thay đổi".

Theo ông Perkins, chính quyền Tổng thống Trump dường như xem vị thế đồng tiền dự trữ của USD là một gánh nặng.

“Không phải ai cũng coi vị thế này là một lợi thế. Một số nhân vật nổi bật trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc cả thế giới phải tích trữ USD khiến tỷ giá hối đoái của đồng tiền này luôn bị định giá quá cao, làm suy yếu ngành sản xuất trong nước và buộc Mỹ phải chấp nhận các khoản thâm hụt liên miên”, ông viết.

Ông Perkins lập luận rằng không có quy luật nào trong hệ thống buộc Mỹ phải liên tục thâm hụt ngân sách hay duy trì đồng tiền mạnh. Trái lại, theo ông, “không có lý do gì khiến đồng USD không thể mất giám thậm chí mất giá đáng kể, ngay cả khi Mỹ vẫn duy trì vai trò thống trị trên trường quốc tế”.

Ông cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Trump rất có thể sẽ đạt được điều họ mong muốn, một đồng tiền yếu hơn, bởi chính sách hiện tại của họ đang gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ trong khi đồng thời buộc phần còn lại của thế giới phải tự điều chỉnh lại.

Dù vậy, ông Perkins khẳng định rằng đồng USD sẽ không sớm mất đi vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu.