Công ty Cổ phần LISOHAKA nợ BHXH lên tới 183 tháng

admin
Ngày 9/3, BHXH TP Hà Nội công bố danh sách các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHNT từ 1 tháng trở lên tháng 2/2023. Đáng chú ý, có một đơn vị như Công ty CP LISOHAKA nợ BHXH lên tới 183 tháng.

54.000 đơn vị bị bêu tên

BHXH TP Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 28/2, có 54.523 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chậm đóng BHXH, BHYT, BHNT từ 1 tháng trở lên. Trong đó, chủ yếu là số tháng nợ đóng của các đơn vị là từ 1 – 2 tháng.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp, đơn vị nợ, chậm đóng BHXH từ một năm, vài năm tương đối nhiều. Thậm chí, có đơn vị bị liệt vào danh sách đen khi nợ đóng tới hơn 15 năm. Điển hình như, Công ty CP LISOHAKA nợ BHXH lên tới 183 tháng với số tiền là hơn 7 tỷ đồng. Đứng thứ 2 là Công ty CP xây dựng giao thông và thương mại 124 nợ đóng 153 tháng với số tiền 13,7 tỷ đồng.

Đơn vị ghi nhận số tiền nợ bảo hiểm nhiều nhất là Chi nhánh Cty CP ô tô Xuân Kiên VINAXUKI­ NM SX ô tô số 1, Mê Linh (Hà Nội) với 128 tháng nợ cùng số tiền 23,7 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 2/2023, BHXH TP Hà Nội cũng công bố danh sách gần 60 nghìn đơn vị, doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn. Nhiều cái tên bị “bêu” nợ, chậm đóng bảo hiểm cho hàng nghìn lao động được nhắc tới như: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Bệnh viện Thu Cúc, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Công ty Cổ phần Kinh doanh F88, Công ty Cổ phần MediaMart Việt Nam…

Người lao động thiệt thòi

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho biết, thực tiễn đi kiểm tra các doanh nghiệp và nắm bắt từ Công đoàn cơ sở cho thấy, thời gian qua nổi lên một số hành vi trong lĩnh vực BHXH như: Lợi dụng cơ chế, chính sách còn kẽ hở; chế tài xử lý nợ chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng hoặc chiếm dụng khoản tiền này của người lao động. Việc các công ty đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động.

Doanh nghiệp trốn đóng BHXH, thiệt thòi thuộc về người lao động.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít công ty, doanh nghiệp đã có hành vi vi phạm pháp luật khi nợ hay “trốn đóng BHXH”, dẫn đến người lao động phải gánh chịu thiệt hại nhãn tiền, nhất là không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Luật sư Hoàng Văn Sản, Giám đốc Công ty Luật Tùng Sơn phân tích, hành vi trốn đóng BHXH bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17, Luật BHXH 2014. Tại Luật Hình sự cũng có những chế tài cụ thể, nhưng trong thực tế hầu như không xử lý được trường hợp nào. Cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức rằng, muốn xử lý hình sự phải chứng minh được doanh nghiệp trốn đóng. Trong khi đó, khi làm việc với cơ quan chức năng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng, đơn vị sử dụng lao động cho rằng họ không trốn đóng mà chỉ chậm đóng và đưa ra nhiều lý do, rồi chỉ khắc phục một phần.

“Cần làm rõ việc thế nào là chậm đóng, trốn đóng BHXH, hoặc chậm đóng trong bao lâu thì coi như trốn đóng. Như thế mới kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì. Vì càng để lâu, việc khắc phục càng khó khăn, người lao động càng thiệt thòi”, ông Sản nhấn mạnh.

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

{