Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, thu nội địa đạt 1.158,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 69,4% dự toán, tăng tới 33,3% so cùng kỳ.
Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, 46/63 địa phương có kết quả thu nội địa vượt mốc 55% dự toán và 56 địa phương ghi nhận mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm trước.

Theo các lĩnh vực cũng ghi nhận, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc, ước đạt 148,7 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 63,3% dự toán, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Ở lĩnh vực thu từ dầu thô, dù ghi nhận giảm nhẹ 16,7% so cùng kỳ, nhưng vẫn đạt 24,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 46,3% dự toán trong bối cảnh giá dầu có nhiều biến động.
Tính đến giữa tháng 6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa có thuế đạt khoảng 68,5 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy phần nào đà hồi phục tích cực của chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước.
Một số mặt hàng nhập khẩu có mức tăng mạnh, góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách như nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu tăng 7,3%, làm tăng thu khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng; ô tô nguyên chiếc tăng tới 49,3%, giúp thu ngân sách tăng thêm 7,8 nghìn tỷ đồng; trong khi hàng điện gia dụng và linh kiện tăng 15,1%, đem về khoảng 825 tỷ đồng cho ngân sách.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2025, cơ quan thuế đã thực hiện khoảng 17,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, từ đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 22 nghìn tỷ đồng, đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế khoảng 43,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan hải quan đã thực hiện 452 cuộc kiểm tra sau thông quan và kiến nghị xử lý, nộp ngân sách nhà nước khoảng 293,4 tỷ đồng.
Để có được kết quả như trên, Bộ Tài chính cho hay đã đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành và trực tiếp ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn cho sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.
Theo đó, tổng quy mô các chính sách đã triển khai lên tới khoảng 232,6 nghìn tỷ đồng, trong đó 116,5 nghìn tỷ đồng là các khoản miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và 116,1 nghìn tỷ đồng là các khoản gia hạn thuế, tiền thuê đất.
Kết quả thực hiện các chính sách này tính đến tháng 6/2025 đã ước đạt khoảng 107,7 nghìn tỷ đồng. Trong đó, đã miễn, giảm khoảng 49,9 nghìn tỷ đồng, gia hạn gần 57,8 nghìn tỷ đồng, góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Cùng với đó, cơ quan thuế đã tích cực triển khai chính sách thuế theo Nghị định 70 năm 2025 về hoá đơn điện tử đối với hơn 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu 1 tỷ đồng/năm trở lên. Ngành thuế đã “siết chặt” công tác chống thất thu, gian lận, chuyển giá, trốn thuế.
Không chỉ vậy, các cơ quan thuế, hải quan đã mở rộng cơ sở thuế, kiểm tra, rà soát toàn bộ số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, quản lý các nguồn thu trên địa bàn để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hiện Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thêm các chính sách hỗ trợ trọng điểm.
Nổi bật là Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, dự kiến trình cơ quan có thẩm quyền vào tháng 10/2025 và nghị định của Chính phủ về tiếp tục giảm tiền thuê đất năm 2025, góp phần giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.