Áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao trong khi cả khối lượng phát hành mới và mua lại trước hạn đều giảm

Theo dữ liệu từ FiinRatings, diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục tăng cao trong khi cả khối lượng phát hành mới và mua lại trước hạn đều giảm.
ap-luc-tra-trai-phieu-1693754511.jpeg
 

Cụ thể, theo dữ liệu từ FiinRatings, tính đến ngày 29/08/2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 8 ghi nhận phát hành mới 18 lô trái phiếu trị giá 21,36 nghìn tỷ VNĐgiảm 31,69% so với tháng trước và tương đương 91,15% so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, giá trị phát hành từ nhóm ngành Tổ chức tín dụng tiếp tục chiếm tỉ lệ lớn với 55,65% trên tổng phát hành trong tháng.

Quy mô trái phiếu mua lại trước ngày đáo hạn cũng chứng kiến sự sụt giảm với tổng khối lượng đạt 12,36 nghìn tỷ VNĐ, giảm 50.85% so với tháng 7 và 44,21% so với cùng kì năm trước.

Cơ cấu trái phiếu mua lại vẫn giữ ổn định với nhóm Tổ chức tín dụng chiếm đa số (49,39%), tiếp theo đến nhóm ngành Bất động sản và các nhóm ngành khác.

Theo nhận định của FiinRatings, trong các tháng tiếp theo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường.

Cụ thể, quý 4 năm 2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65,5 nghìn tỷ VNĐ (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành Bất động sản.

Dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nhưng theo FiinRating, việc ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/8/2023 nhằm ngưng hiệu lực các điều khoản liên quan đến hoạt động cho vay tái cơ cấu nợ và hợp đồng hợp tác đầu tư cũng phần nào gỡ bỏ nút thắt của thị trường bằng việc cho phép các doanh nghiệp đang gặp khó khăn huy động nguồn vốn mới, từ đó tăng khả năng phục hồi của nhóm ngành Bất động sản nói riêng và toàn thị trường nói chung.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng

Theo các dữ liệu công khai từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ quý 2 năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ghi nhận hàng loạt thông tin tiêu cực.

Việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói chung, TPDN bất động sản nói riêng bị “chặn". Cùng với đó là sự kiểm soát, cảnh báo từ cơ quan chức năng, các văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN nhằm đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh và minh bạch.

Theo đó, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ liên tục tụt giảm kể từ tháng 6 năm 2022 và chỉ ghi nhận sự cải thiện trở lại kể từ tháng 3 năm nay nhờ nghị định số 08/NĐ-CP và một số động thái từ phía Ngân hàng nhà nước.

Nhóm ngành bất động sản xếp vị trí thứ 2 trong tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2023 với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Nhiều DN đã đàm phán thành công với các chủ sở hữu trái phiếu để gia hạn thời hạn trả nợ.

Tuy nhiên, khó khăn vẫn ở phía trước, việc gia hạn thời gian trả nợ chỉ giúp DN có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu lại nợ doanh nghiệp để phục hồi. Về cơ bản chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác.

Dữ liệu từ HNX cho thấy, tháng 9 vẫn được coi là “cao điểm" đáo hạn, một trong những tháng có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn nhất trong cả năm 2023, với khoảng 41.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn.

Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.