2/5 thành viên HĐQT Angimex (AGM) xin từ nhiệm

admin
Theo thông tin được đăng tải trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, ông Vũ Ngọc Long - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) đã xin từ nhiệm sau hơn 5 tháng ở vị trí này.

2/5 thành viên HĐQT xin từ nhiệm

Theo thông tin đăng tải của doanh nghiệp, ông Võ Ngọc Long giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT Angimex từ ngày 28/6. Trước đó, ông đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty từ ngày 4/3.

Sau khi nhận được đơn từ nhiệm của ông Long ngày 9/12, HĐQT công ty sẽ tiến hành các thủ tục có liên quan trình ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 vào ngày 14/12 để xem xét đơn từ nhiệm của Long theo luật định.

Gần đây, một số lãnh đạo của Angimex liên tục xin từ nhiệm. Hồi tháng 11, ông Hồ Đăng Dân - thành viên HĐQT, ông Ngô Quốc Cương - thành viên ban kiểm toán và hai thành viên ban kiểm soát là ông Dương Thanh Bình và bà Huỳnh Thị Kim Oanh đã nộp đơn xin từ nhiệm. Trong đó, ông Ngô Quốc Cương mới được bổ nhiệm là thành viên ban kiểm toán từ tháng 10.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/6, Angimex có 5 thành viên HĐQT gồm các ông: Nghiêm Hải Anh (Chủ tịch), Vũ Ngọc Long (Phó Chủ tịch HĐQT), Hồ Đăng Dân (thành viên HĐQT), Lê Tiến Thịnh (thành viên HĐQT) và Võ Kim Nguyên (thành viên độc lập HĐQT). Ban kiểm soát bao gồm: Ông Lâm Trường, bà Huỳnh Thị Kim Oanh và ông Dương Thanh Bình.

Nếu đơn từ nhiệm của ông Vũ Ngọc Long và ông Hồ Đăng Dân được chấp thuận, HĐQT Angimex chỉ còn 3 người.

Về nhân sự mới, cuối tháng 10, công ty đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Minh Hồng giữ chức Phó Tổng giám đốc thường trực Angimex.

Angimex xin lùi lịch trả lãi trái phiếu do tình hình kinh doanh kém thuận lợi

Liên quan đến Angimex, mới đây doanh nghiệp này đã xin lùi lịch trả lãi trái phiếu do kinh doanh gặp khó khăn. Theo đó, Công ty cho biết tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ và gặp khó khăn từ tháng 4/2022, sau sự kiện của ông Đỗ Thành Nhân. Từ ngày 14/10 các cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty đang trong quá trình soát xét tình trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh.

HĐQT mới tiếp nhận cần có thời gian lập các kế hoạch tài chính, vực lại hoạt động sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng trong đó có kế hoạch thực hiện nghĩa vụ của công ty với gói trái phiếu AGMH2123001.

Về kế hoạch thực hiện nghĩa vụ đối với gói trái phiếu trên, Angimex sẽ thực hiện thanh toán một phần lãi của trái phiếu theo lãi suất cố định (7%/năm) của kỳ trả lãi từ ngày 9/8 đến ngày 9/11. Kỳ lãi được thanh toán tương đương một tháng. Thời hạn thanh toán lãi chậm nhất vào ngày 17/11

Sau kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2022 dự kiến thời gian tổ chức trong khoảng 12/12 đến 19/12, Angimex sẽ tổ chức hội nghị trái chủ và thông báo với các trái chủ kế hoạch thanh toán khoản gốc và lãi phát sinh trên khoản gốc của trái phiếu mã AGMH2123001. Thời gian tổ chức hội nghị trái chủ, chậm nhất vào ngày 31/12.

Được biết, gói trái phiếu mã AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021, hoàn tất vào ngày 3/1/2022, thời hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 9/11/2023. Lãi suất trái phiếu cố định là 7%/năm. Kỳ tính lãi là định kỳ 3 tháng/lần từ ngày phát hành. Angimex đã thực hiện được 3 kỳ trả lãi cho gói trái phiếu mã AGMH2123001.

Theo báo cáo hợp nhất, trong quý III năm nay, Angimex ghi nhận doanh thu thuần 711 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Sau thuế, doanh nghiệp lỗ gần 29 tỷ đồng so với quý III/2021 lãi gần 4 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Angimex ghi nhận doanh thu tăng 33% lên 3.092 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 18 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ phần lớn đến từ giá vốn hàng bán quá cao, cùng với hàng loạt chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng trưởng, thêm vào đó là khoản lỗ từ động kinh doanh quý III lên tới hơn 39 tỷ đồng.

Về quy mô tài sản, tổng tài sản của Angimex tính đến 30/9/2022 giảm 3% còn 1.800 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cùng khoản đầu tư đến ngày đáo hạn gần 97 tỷ đồng, chỉ chiếm hơn 5% tổng tài sản. Hàng tồn kho còn 190 tỷ đồng, giảm nhẹ từ đầu năm.

Hết quý III, Angimex có nghĩa vụ nợ 1.277 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính cả ngắn hạn và dài hạn 1.218 tỷ đồng, chiếm 95% tổng số nợ. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng 8% đạt mức 522 tỷ đồng, tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu là 2,4.

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh và đầu tư doanh nghiệp đều ghi nhận con số âm, lần lượt âm 94 tỷ đồng và âm 503 tỷ đồng. Bù lại, dòng tiền tài chính dương 381 tỷ đồng, đến chủ yếu từ đi vay và phát hành cổ phiếu, vốn góp của chủ sở hữu.

Doanh nhân Việt Nam

{