Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn đặc biệt quan trọng

admin
Chuyên gia cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rõ ràng là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp.
trai-phieu-doanh-nghiep-1670647207.jpegTPDN là kênh huy động vốn đặc biệt quan trọng
 

Hiện nhiều nước trên thế giới phát hành trái phiếu gồm 3 loại, bao gồm phát hành trái phiếu phải mua bảo hiểm, phát hành trái phiếu có bảo lãnh và loại trái phiếu hoàn toàn không có bảo lãnh và không có bảo hiểm. Tuy nhiên, các loại trái phiếu này đều phải có ít nhất hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực.

Thị trường còn non trẻ

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân: TPDN là một thị trường vốn rất quan trọng cho DN. Trong năm 2021 và quý đầu đầu năm 2022, chúng ta chứng kiến thị trường TPDN rất sôi động. Tuy nhiên, sang đầu năm 2022, một số DN rơi vào khủng hoảng pháp lý. Nguyên nhân là DN phát hành trái phiếu không được kiểm soát và phần lớn là trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ dành cho đối tượng là những người đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư tổ chức. Nhưng trên thực tế, phần lớn nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu với suy nghĩ rằng giống như gửi ngân hàng.

Khi xảy ra sự cố như thế, thị trường TPDN rơi vào khó khăn. GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh rằng, thị trường TPDN Việt Nam nếu không cẩn trọng thì rơi vào thị trường như Philippines. Thị trường trái phiếu mà để đổ vỡ không phục hồi được thì đây là một thất bại trong việc huy động các nguồn lực cho phát triển.

Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là những doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Mong muốn của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam có điểm rất khác so với nhiều nhà đầu tư cá nhân thế giới. Nhiều nhà đầu tư cá nhân thế giới nếu họ không hiểu, họ sẽ đầu tư đầu tư gián tiếp, đầu tư vào quỹ, nhưng Việt Nam lại rất thích đầu tư trực tiếp, tự mình mua, tự mình cảm nhận được sinh lợi ra sao.

Đánh giá về thực trạng TPDN hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, thị trường TPDN bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ 2019 đến những tháng đầu năm 2022 và đã nhanh chóng đạt được quy mô xấp xỉ 1,2 triệu tỷ đồng tính đến 31/12/2022. Thời gian vừa qua, rủi ro kỳ hạn cũng khá nghiêm trọng, đã xảy ra ở cả những thị trường phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu…

Khó khăn của thị trường trong nửa cuối của năm 2022 và cho đến thời điểm gần đây cũng thấy rất rõ. Điều này đã tác động đến nền kinh tế của Việt Nam và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, thị trường TPDN của Việt Nam còn rất non trẻ, mới bắt đầu hình thành và chắc chắn các chủ thể trong thị trường này cũng non trẻ. Bối cảnh là các doanh nghiệp khó khăn và trái phiếu khó khăn.

Tạo nền móng vững chắc thị trường TPDN

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đã có những giải pháp căn cơ cho thị trường này. Theo đó, trước tiên là cần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được lãi suất, tỉ giá, lạm phát… Điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, giải quyết các khó khăn. Đây chính là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động tốt dần lên và hiệu quả hơn, từ đó quay trở lại phát triển.

Thứ hai, cần phải có những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến thị trường trái phiếu này. Vừaqua Chính phủ cũng đã có giải pháp, trong một thời gian ngắn, Chính phủ ra 2 Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và số 08/2023/NĐ-CP. Những quy định pháp lý mới nhất như vậy đã kịp thời giúp các doanh nghiệp phát hành, rồi nhà đầu tư có điều kiện và công cụ pháp lý, có thời gian để giải quyết những khó khăn trước mắt về dòng tiền, thanh khoản, tài sản đảm bảo, và giải quyết những vấn đề khác liên quan…

Thứ ba, chúng ta nói về những khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp phát hành trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt khi thị trường BĐS gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp, trong đó có chính sách giãn nợ, chuyển nhóm nợ của các doanh nghiệp, giảm lãi suất, giãn thuế, giảm thuế… “Những giải pháp này tác động đến thị trường TPDN, hỗ trợ thị trường TPDN tiếp tục ổn định trở lại và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Thứ tư, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Doanh nghiệp phải tôn trọng các thỏa thuận của doanh nghiệp phát hành với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật và phải thực thi trách nhiệm của mình. Nhà nước đảm bảo việc đó được thực hiện.

Đánh giá về giải pháp và phản ứng của Việt Nam đối với thị trường TPDN, PGS.TS. Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhìn nhận, Chính phủ đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ tất cả những khó khăn hiện đang vướng phải. Tuy nhiên, vị chuyên gia này muốn chú ý hơn nữa về vấn đề tạo nền móng cho tương lai bởi TPDN rõ ràng là kênh huy động nguồn vốn đặc biệt quan trọng, không chỉ cho doanh nghiệp mà cả Chính phủ.

Nhìn những quốc gia đã tạo ra những phát triển thần kỳ thì trái phiếu có vai trò rất quan trọng, đến 100% của GDP, trong đó khoảng 50% của doanh nghiệp và 50% của Chính phủ.

Kinh nghiệm của PGS.TS Vũ Minh Khương cho thấy, thế giới trái phiếu phát hành 3 loại, bao gồm: Phải mua bảo hiểm, vì bảo hiểm đã kiểm tra rất kỹ trình độ trái phiếu ra sao; Phát hành trái phiếu nhưng có bảo lãnh; Loại hoàn toàn không có bảo lãnh, không bảo hiểm thì phải ít nhất có hai công ty đánh giá kinh nghiệm, năng lực, thẩm định để giúp người dân yên tâm.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tránh vấn đề hình sự, vị chuyên gia này nhắc tới 3 tuyến phòng vệ, đó là: Tuyến phòng vệ thứ nhất là các lãnh đạo doanh nghiệp khi chuẩn bị cần hiểu thật kỹ về quản trị doanh nghiệp. Tuyến phòng vệ thứ hai là bảo đảm vấn đề pháp lý, phản ứng cứu hộ. Tuyến phòng vệ thứ ba là cần kiểm toán hằng năm đề đánh giá, bởi tình hình kinh tế biến đổi rất nhanh, do đó cần cập nhật các ý kiến kiến nghị thường xuyên, liên tục.

“Nói chung, xây dựng một nền tảng cho hệ thống tài chính lành mạnh cho tương lai của Việt Nam là vấn đề rất cấp bách. Tôi tin là Chính phủ nhiệm kỳ này có thể làm được vấn đề đó và coi thách thức hiện giờ chúng ta gặp phải là một quyết tâm chiến lược để Việt Nam để tạo ra một nền móng thật tốt trong thời gian tới”, PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

Từ khi Nghị định 08 được ban hành ngày 5/3/2023, đã có 15 doanh nghiệp phát hành được khối lượng là 26,4 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường. Trong khi giai đoạn trước đó, cuối năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, hầu như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu ra thị trường.

Sau khi Nghị định 08 ra đời, nhiều doanh nghiệp đã đàm phán thành công với các nhà đầu tư trong xử lý vướng mắc về quá trình thanh khoản, dòng tiền khi trái phiếu đến hạn. Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán, có 16 doanh nghiệp đàm phán thành công để giải quyết khối lượng trái phiếu gần 8 nghìn tỷ đồng (7,9 nghìn tỷ đồng)

{