Những ngân hàng nào đang là chủ nợ của các khoản huy động bằng trái phiếu của Novaland?

Mai Anh Đức
Novaland đang là “con nợ” tại các ngân hàng PVcomBank, VPBank, TPBank… thông qua các khoản huy động bằng trái phiếu ngắn và dài hạn với khoản nợ lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất Quý 04/2022 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland – Mã chứng khoán: NVL) thể hiện, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng số nợ phải trả là hơn 212.435 tỷ đồng, tăng lên hơn 51.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, khoản nợ ngắn hạn phải trả của Novaland là hơn 74.420 tỷ đồng và khoản nợ dài hạn phải trả là hơn 138.015 tỷ đồng.

BCTC này cũng thể hiện rõ các khoản vay ngắn hạn và dài hạn mà Novaland phải trả. Trong đó, khoản vay ngắn hạn bằng phát hành trái phiếu mà Novaland cần phải trả đã tăng lên “đột biến” so với cùng kỳ năm ngoái. Tại thời điểm 31/12/2022, khoản vay ngắn hạn bằng phát hành trái phiếu là hơn 18.445 tỷ đồng, tăng lên gần bằng 2,5 lần so với cùng thời điểm năm 2021; còn khoản vay dài hạn bằng phát hành trái phiếu đã giảm từ hơn 29.295 tỷ đồng xuống còn gần 25.725 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong các khoản vay hàng nghìn tỷ bằng phát hành trái phiếu này, có rất nhiều khoản vay tại các ngân hàng như PVcomBank, VPBank, TPBank…

nvl-1680607068.jpg
Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 04/2022 của Novaland thể hiện khoản nợ phải trả là hơn 212.435 tỷ đồng.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đang “đọng” khoảng 3.000 tỷ đồng vào trái phiếu của Novaland. Trong đó, Novaland nợ 1.350 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 1.650 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Trong tổng số nợ này, Novaland có 2 gói trái phiếu có ngày đáo hạn cuối cùng vào năm 2023. Một gói trái phiếu có tổng giá trị là 1.300 tỷ đồng (dư nợ trái phiếu còn lại tại ngày 31/12/2022 là 650 tỷ đồng) và một gói trái phiếu có tổng mệnh giá 500 tỷ đồng. Các gói trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của các cổ đông và đều ghi nợ tại PVcomBank – Chi nhánh Sài Gòn.

Bên cạnh đó, Novaland còn có 2 gói trái phiếu phải đáo hạn cuối cùng vào cuối năm 2024 tại PVcomBank – Chi nhánh Sài Gòn gồm: Một gói trái phiếu có tổng trị giá 1.350 tỷ đồng có ngày đáo hạn cuối cùng vào năm 2024 cũng được đảm bảo bằng cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của các cổ đông; Một gói trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 1.000 tỷ đồng với ngày đáo hạn cuối cùng vào ngày 04/11/2024. Gói 1.000 tỷ này được Novaland đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất của hai dự án tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tuy nhiên, xét về nợ trái phiếu của Novaland thì PVcomBank vẫn đang ít hơn rất nhiều so với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo đó, tại BCTC hợp nhất quý 04/2022 của Novaland cũng thể hiện rõ khoản vay bằng phát hành trái phiếu ngắn hạn của doanh nghiệp này tại VPBank lên đến 8.100 tỷ đồng. Khoản vay này có tổng cộng 4 gói trái phiếu và tất cả đều phải đáo hạn trong năm 2023.

Đầu tiên là khoản vay tại VPBank bằng trái phiếu ngắn hạn với 3 gói trái phiếu có tổng mệnh giá 7.000 tỷ đồng được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh liên quan đến một dự án tại TP. Thủ Đức. Khoản vay này được Công ty CP Chứng khoán VPS tư vấn với 3 gói trái phiếu 3.000 tỷ đồng, 1.500 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Cả 3 gói trái phiếu này đều có thời hạn là 36 tháng.

pvcb-1680606856.webp
PVcomBank đang “đọng” 3.000 tỷ đồng vào trái phiếu của Novaland.

Tiếp đến là khoản vay tại VPBank – Chi nhánh HCM cũng bằng trái phiếu ngắn hạn gồm 2 gói trái phiếu có tổng mệnh giá 2.100 tỷ đồng được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và quyền tài sản hình thành trong tương lai của một phần dự án tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Trong 2 gói trái phiếu này thì 1 gói tổng giá trị 1.000 tỷ đồng đã được Novaland tất toán. Gói còn lại có tổng giá trị là 1.100 tỷ đồng với thời hạn 48 tháng cũng sẽ phải đáo hạn vào năm 2023.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là cái tên tiếp theo trong danh sách các “chủ nợ” của các khoản huy động bằng trái phiếu của Novaland. Cụ thể, tại BCTC thể hiện, vào tháng 01/2022 Novaland đã huy động thành công 1.600 tỷ đồng từ TPBank – CN Bến Thành bằng việc phát hành trái phiếu với thời hạn 36 tháng. Tuy nhiên, khoản huy động vốn bằng trái phiếu này đang được Novaland ghi nhận với 160 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 1.440 tỷ đồng trái phiếu dài hạn. Khoản huy động này được đảm bảo bằng quyền phát triển một dự án tại Quận 1 và cổ phần của Công ty chủ đầu tư dự án thuộc sở hữu của cổ đông.

Có thể thấy, chỉ mới tính tại 3 ngân hàng PVcomBank, VPBank và TPBank mà tổng số nợ trái phiếu của Novaland đã lên đến 12.700 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến các khoản nợ tại một số ngân hàng hay tổ chức khác như MB, MSB… (chúng tôi sẽ thông tin ở bài viết sau).

Liên quan đến trái phiếu của Novaland, theo tìm hiểu của PV, vào cuối tháng 02/2023 doanh nghiệp này cũng đã phát đi thông báo về việc gia hạn trái phiếu hoặc chuyển đổi sản phẩm bất động sản đối với lô trái phiếu NVLH2123009. Theo đó, Novaland cho biết, việc chậm trễ này do doanh nghiệp đang gặp khó khăn thanh khoản nên chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán.

ngan-hang-vpbank-1-1680607283.jpg
VPBank cũng có 8.100 tỷ đồng cho vay bằng trái phiếu mà Novaland phải đáo hạn trong năm 2023.

Cũng theo tìm hiểu của PV, mới đây, Novaland đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội gia hạn nộp và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, dự kiến đến 15/04/2023. Nguyên nhân xin gia hạn là do Novaland đang sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cần thêm thời gian tiến hành thủ tục kiểm toán và đánh giá toàn diện khách quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính của công ty.

Novaland cho biết hiện nay đang rất nỗ lực tái cấu trúc toàn diện để vượt qua giai đoạn khó khăn. Vào ngày 24/03/2023, cổ đông Novaland đã thông qua tất cả 7 tờ trình với tỷ lệ xấp xỉ 72,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tương đương 99,4% tổng số cổ phần biểu quyết hợp lệ. Một trong những tờ trình đáng chú ý được thông qua là việc phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Số tiền thu về nếu chào bán thành công 100% lượng cổ phiếu tối thiểu là 9.750 tỷ đồng.

Ngoài ra, Novaland sẽ chào bán thêm 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện là 1:1. Nghĩa là, cổ đông sở hữu mỗi cổ phiếu sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới với giá bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu và Novaland có thể thu về 19.500 tỷ đồng. Novaland dự kiến sử dụng số tiền thu về nhằm tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ đến hạn, thanh toán chi phí lương cho cán bộ nhân viên, thanh toán chi phí vận hành chung và thực hiện các dự án do Novaland làm chủ đầu tư.

Được biết, Novaland là một doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của NovaGroup do ông Bùi Thành Nhơn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tiền thân, NovaGroup là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn được thành lập năm 1992 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… và xây biệt thự cho thuê. Sau hơn 20 hình thành và phát triển với nhiều lần tái cấu trúc, NovaGroup tập trung lĩnh vực kinh doanh cốt lõi với 3 tổng Công ty: Novaland chuyên hoạt động về lĩnh vực bất động sản: Nova Service chuyên hoạt động về thương mại dịch vụ và Nova Consumer được định hướng theo mô hình 3F – từ trang trại đến bàn ăn (Feed – Farm – Food).

{