QC-Ecopark

Mỹ trước 'giờ G': Nhập khẩu tăng sốc, xuất khẩu trì trệ

Thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ đạt mức kỷ lục 140,5 tỷ USD trong tháng 3, chủ yếu do làn sóng nhập khẩu tăng vọt trước thời điểm các mức thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump dự kiến có hiệu lực vào ngày 6/7.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ công bố ngày 6/5, kim ngạch nhập khẩu của nước này đã tăng tới 23,3% từ đầu năm đến nay, riêng trong tháng trước tăng thêm 17,8 tỷ USD.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang các nước khác chỉ tăng nhẹ 500 triệu USD.

container-nhap-khau-hang-my-1746579645.webpCác container vận chuyển trên một con tàu tại một bến cảng ở Cảng Los Angeles vào ngày 30/4. (Ảnh: Robyn Beck/AFP/Getty Images)
 

Hệ quả là thâm hụt thương mại tăng tới 92,6% tính từ đầu năm đến nay, mức tăng đột biến chủ yếu do các công ty và người tiêu dùng Mỹ đổ xô nhập khẩu hàng hóa nhằm tránh mức thuế cao sắp được áp dụng.

Đáng chú ý, nhập khẩu hàng tiêu dùng trong tháng 3 đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, đặc biệt là nhóm hàng dược phẩm. Bên cạnh đó, các mặt hàng khác như hàng may mặc, đồ nội thất, trang sức, đồ gia dụng và hàng dệt may cũng ghi nhận mức tăng đáng kể so với tháng 2.

Tuy nhiên, sự gia tăng nhập khẩu đột ngột này cũng kéo theo hệ lụy lớn đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Theo các nhà kinh tế của Wells Fargo, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã giảm 0,3% trong quý đầu tiên của năm 2025, với tác động tiêu cực lớn nhất đến từ xuất khẩu ròng — mức ảnh hưởng mạnh nhất trong hơn nửa thế kỷ qua.

Chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, cũng chỉ tăng 1,8% trong quý I, mức yếu nhất kể từ giữa năm 2023.Các nhà kinh tế dự báo rằng đà tăng của nhập khẩu có thể sẽ chậm lại trong quý II, từ đó giúp GDP phục hồi trở lại mức tăng trưởng dương. Tuy nhiên, rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu. Theo đánh giá của Goldman Sachs, khả năng xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ trong vòng 12 tháng tới vẫn ở mức 45%.

“Chúng tôi vẫn dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng thuế quan ở những lĩnh vực khác — ví dụ như dược phẩm, chất bán dẫn và có thể cả ngành điện ảnh — và nhận thấy rủi ro đáng kể rằng một số mức thuế 'có đi có lại' hiện đang tạm hoãn rốt cuộc sẽ được áp dụng,” nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs viết trong thư gửi khách hàng vào sáng 6/5.

Cùng ngày, Cơ quan Thống kê Canada cũng công bố số liệu cho thấy xuất khẩu từ Canada sang Mỹ đã giảm 6,6%, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp sụt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu từ Canada sang các quốc gia khác lại gia tăng.

Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan và Hồng Kông là những điểm đến chính trong xu hướng chuyển hướng xuất khẩu này. Trong đó, dầu thô là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Canada sang Hà Lan và Hồng Kông.

Những số liệu mới nhất cho thấy tác động lan rộng của căng thẳng thương mại do chính sách thuế quan của Mỹ gây ra, không chỉ đối với nội tại nền kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc thương mại toàn cầu.

Việc các nước như Canada đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cùng với rủi ro về các đợt tăng thuế bổ sung, đang khiến môi trường kinh doanh quốc tế trở nên khó lường hơn bao giờ hết.