Làm giàu là vinh quang, là yêu nước

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp có ý nghĩa đặc biệt: Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua toàn dân làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
thu-tuong-pham-minh-chinh-1747723648.jpegThủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp có ý nghĩa đặc biệt: Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua toàn dân làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 68 cũng đã nêu rõ một trong 8 nhóm giải pháp lớn là: Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước. Trong đó, sẽ tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, tiên tiến, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng.

Do đo, dù chưa phải là một lễ phát động chính thức, nhưng thông điệp trong phát biểu của Thủ tướng đã khơi dậy một định hướng tư tưởng phát triển đầy cảm hứng: làm giàu – nếu chính đáng, sáng tạo và có trách nhiệm – cũng là một hành động yêu nước.

Đáng chú ý, thông điệp ấy cũng đồng thời tháo cởi một định kiến đã âm ỉ lâu nay trong tâm lý xã hội: quan niệm rằng nghèo mới là trong sạch, còn giàu là đồng nghĩa với bóc lột, tha hóa. Trong một thời kỳ dài, tâm thức "nghi ngờ người giàu" khiến cho động lực vươn lên làm giàu chân chính bị kìm hãm và thành công kinh tế nhiều khi phải giấu mình. Giờ đây, khi người đứng đầu Chính phủ khẳng định "thi đua làm giàu" là hành động yêu nước, đó là một bước giải phóng tinh thần lớn – giúp khôi phục danh dự cho sự thành đạt và chính danh cho khát vọng phát triển cá nhân.

Như vậy, "làm giàu" được xác lập trong tầm nhìn quốc gia như một giá trị gắn với thi đua yêu nước – một bước chuyển sâu sắc trong tư duy phát triển: gắn khát vọng cá nhân với lý tưởng dân tộc, kết nối hành động kinh tế với tinh thần phụng sự Tổ quốc và nâng cao phẩm giá của sự thành công vật chất trong thời đại phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

thu-tuong-pham-minh-chinh-1-1747723648.jpegLàm giàu chính đáng không chỉ mang lại của cải cho cá nhân, mà còn tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lan tỏa các giá trị xã hội
 

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, làm giàu là quyền hiến định của mọi người dân. Nhưng khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, làm giàu không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ công dân. Làm giàu chính đáng không chỉ mang lại của cải cho cá nhân, mà còn tạo ra việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lan tỏa các giá trị xã hội. Một doanh nhân thành công, một nông dân giỏi, một người trẻ khởi nghiệp hiệu quả – tất cả đều có thể trở thành những "chiến sĩ kinh tế" trong thời bình nếu thành quả của họ góp phần vào sự phồn vinh chung của đất nước.

Làm giàu, vì thế, cần được hiểu theo ba tầng ý nghĩa: làm giàu cho cá nhân là phát huy quyền tự do và năng lực sáng tạo; làm giàu cho cộng đồng là tạo ra giá trị chia sẻ và gắn kết xã hội; làm giàu cho quốc gia là nâng cao nội lực, mở rộng vị thế và củng cố bản lĩnh dân tộc. Ba tầng nghĩa ấy không tách rời mà lan tỏa trong nhau, hình thành một tư duy phát triển tích hợp – vừa giải phóng tiềm năng con người, vừa phát huy sức mạnh quốc gia.

Tuy nhiên, để phong trào thi đua làm giàu thành công và không rơi vào hình thức, điều kiện tiên quyết là phải được đặt trên nền tảng chính sách, thể chế và cơ chế hỗ trợ thực chất. Thi đua không thể triển khai bằng lời hô hào nếu môi trường kinh doanh còn bất ổn, nếu quyền sở hữu chưa được bảo vệ đầy đủ, nếu pháp luật chưa thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Phong trào chỉ có ý nghĩa khi được gắn với cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, giảm rủi ro pháp lý và bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận cơ hội.

Điều quan trọng là đo đếm được giá trị thực chất: bao nhiêu sáng kiến kinh doanh có ích được ra đời, bao nhiêu việc làm bền vững được tạo ra, bao nhiêu cộng đồng được vươn lên thoát nghèo và khởi sắc nhờ nỗ lực cá nhân. Việc tôn vinh trong phong trào cần hướng đến những tấm gương làm giàu bằng đổi mới sáng tạo, bằng đạo đức kinh doanh, bằng tinh thần phụng sự, bằng cống hiên – chứ không chỉ đơn thuần là người có nhiều tài sản nhất.

Để làm được điều đó, cần xây dựng một hệ sinh thái phát triển đồng bộ. Chính sách phải khơi dậy động lực và bảo vệ quyền tự chủ. Thể chế phải minh bạch, ổn định và khả thi. Nguồn lực nhà nước cần được phân bổ thông minh để kích hoạt thị trường, hỗ trợ nhóm yếu thế và phát triển hạ tầng chiến lược. Và quan trọng nhất, khu vực tư nhân phải được nhìn nhận như lực lượng trung tâm trong chiến lược phát triển – không chỉ là đối tượng quản lý mà là chủ thể hành động.

"Thi đua làm giàu" không thay thế tinh thần yêu nước bằng tinh thần vật chất. Trái lại, nó mở rộng phạm vi của lòng yêu nước – từ chiến hào đến xưởng máy, từ ruộng đồng đến phòng họp khởi nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ Tổ quốc không chỉ bằng quốc phòng – an ninh, mà còn bằng năng lực cạnh tranh quốc gia, bằng sự thịnh vượng của mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi vùng đất.

Khi làm giàu trở thành một lý tưởng công dân, khi hành trình phát triển của mỗi người được kết nối với vận mệnh quốc gia, khi thi đua yêu nước được thể hiện qua từng hành động kinh tế cụ thể – thì đó chính là lúc chúng ta đang xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa hiện đại, tự cường và đầy khát vọng.

Làm giàu là vinh quang, là yêu nước – nếu sự giàu có được dựng xây bằng chính khối óc, bàn tay và trái tim của người Việt Nam hướng về tương lai dân tộc.