Trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, tính đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 và tăng 18,19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tín dụng tiếp tục hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Còn theo thống kê Wichart từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 3,6%, tương đương dư nợ tín dụng 13.304,6 nghìn tỷ đồng trong quý I/2025.
Trong quý I/2025, nhiều ngân hàng thương mại ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn hệ thống. Dẫn đầu là KienLongBank với mức tăng 10,62%, tương ứng dư nợ tín dụng đạt 67.959 tỷ đồng. Tiếp đến là PGBank tăng 9,97%, MSB tăng 8,87%, SHB tăng 7,83%, Eximbank tăng 7,71% và VietABank tăng 6,25%.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tương đối thấp. Cụ thể, BIDV đạt mức tăng 2,49% với dư nợ tín dụng khoảng 2.112,7 nghìn tỷ đồng, trong khi Vietcombank chỉ tăng 1,17%, tương ứng 1.475,4 nghìn tỷ đồng. VietinBank là ngân hàng quốc doanh duy nhất có tốc độ tăng trưởng vượt trung bình toàn hệ thống, đạt 4,54%, cao hơn khoảng 0,94 điểm phần trăm so với mức chung.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như ACB, VIB, TPBank, Techcombank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng gần tương đồng với mặt bằng chung của toàn hệ thống, không có sự chênh lệch đáng kể.
Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian qua là mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp. Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản giải ngân mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm 2024.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chủ động triển khai nhiều chương trình, chính sách ưu đãi lãi suất nhằm thu hút khách hàng thuộc nhiều nhóm đối tượng. Đáng chú ý, một số ngân hàng đã giới thiệu các gói vay mua nhà dành riêng cho khách hàng trẻ dưới 35 tuổi, với lãi suất cố định trong ba năm đầu dao động từ 5,5% đến 6%/năm.
Về phía cơ quan quản lý, ngay từ đầu năm, NHNN đã tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cũng như nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của người dân và doanh nghiệp.
Các chính sách mới bao gồm cho phép thực hiện vay vốn qua phương tiện điện tử mà không cần trực tiếp đến ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục đối với các khoản vay giá trị nhỏ… Những quy định này giúp đẩy nhanh quy trình thẩm định và phê duyệt tín dụng, hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận tiện hơn, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen.
Ngoài ra, nhiều chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua đã được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhiều chương trình đã nhiều lần được nâng quy mô nhờ tác động tích cực đối với nền kinh tế. Đơn cử như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã tăng từ 15.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng và hiện đạt 100.000 tỷ đồng. Tương tự, chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được triển khai rộng rãi. Hay như chương trình tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP hiện đã nâng quy mô lên 145 nghìn tỷ đồng.
Cùng với việc mở rộng các gói tín dụng ưu tiên, NHNN cũng đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho từng tổ chức tín dụng, theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Theo đó, nhóm các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng sẽ được trao quyền chủ động kiểm soát tăng trưởng tín dụng của mình trong năm 2025.