Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất mạnh nhất kể từ 2020

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) bất ngờ giảm lãi suất cơ bản mạnh nhất kể từ năm 2020 để thúc đẩy nền kinh tế đang đối mặt với những rủi ro mới từ tình trạng bất động sản sụt giảm nghiêm trọng và chi tiêu của người tiêu dùng yếu.

Ngày 15/8, PBoC đã hạ lãi suất cho các khoản vay một năm (hay cơ sở cho vay trung hạn) 0,15% xuống 2,5%. Lãi suất chính sách ngắn hạn cũng bị cắt giảm 0,1%.

Đây là lần thứ 2 PBoC giảm lãi suất trong vòng 3 tháng thể hiện  sự mất đà phục hồi kinh tế nhanh chóng tại nền kinh tế mới kết thúc quá trình chống dịch Covid-19.

Việc cắt giảm lãi suất đã thúc đẩy trái phiếu chính phủ và gây áp lực lên tỷ giá hối đoái. Lợi tức kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm 7 điểm cơ bản xuống 2,56%, mức thấp nhất kể từ năm 2020. Đồng NDT trong nước tiếp tục suy yếu, giảm 0,23% xuống 7,2744/USD vào lúc 11:32 sáng tại Thượng Hải.

Động thái bất ngờ diễn ra ngay trước khi công bố dữ liệu hoạt động kinh tế đáng thất vọng cho tháng 7 cho thấy tăng trưởng trong chi tiêu của người tiêu dùng, sản lượng công nghiệp và đầu tư trượt dốc và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Cụ thể, dữ liệu sản xuất công nghiệp tăng 3,7% trong tháng 7 so với một năm trước đó, thấp hơn mức ước tính trung bình 4,3% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg đối với các nhà kinh tế.

Tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm lại ở mức 2,5%, tệ hơn so với dự báo trung bình là 4%.

Tăng trưởng đầu tư tài sản cố định giảm xuống còn 3,4% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn mức 3,7% mà các nhà kinh tế dự báo. Đầu tư bất động sản giảm 8,5% trong kỳ, tệ hơn so với 6 tháng đầu năm.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đã tăng lên 5,3% từ mức 5,2% trong tháng 6. Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết họ sẽ tạm dừng công bố dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khi xem xét các phương pháp khảo sát của mình. Vào tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi đạt mức kỷ lục 21,3%.

Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết nhu cầu trong nước vẫn “không đủ” và “nền tảng phục hồi của nền kinh tế vẫn cần được củng cố”. Theo cơ quan này, Trung Quốc cần “đẩy mạnh điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô và tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước, nâng cao niềm tin và ngăn ngừa rủi ro”.

Động thái của PBoC là động thái đầu tiên dưới thời Thống đốc mới Pan Gongsheng, một cựu phó thống đốc của PBoC, người đã được thăng chức vào tháng 7 sau khi ông Yi Gang nghỉ hưu. Kể từ khi ông Pan nhậm chức, hàng loạt dữ liệu kinh tế đáng ngại liên tục được công bố, ví dụ như dữ liệu tuần trước cho thấy các khoản vay ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất trong 14 năm vào tháng 7.

Động thái chính sách bất ngờ cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng từ các nhà hoạch định chính sách về triển vọng kinh tế xấu đi, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, khi nhà phát triển bất động sản hàng đầu quốc gia một thời là Country Garden hiện đang đối mặt với khủng hoảng nợ và doanh số bán nhà tiếp tục giảm. 

Rủi ro cũng đang lan sang lĩnh vực tài chính, nơi một chi nhánh của một tập đoàn tài chính lớn, có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, đã bỏ lỡ các khoản thanh toán cho một số sản phẩm đầu tư.

Những khó khăn về kinh tế của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới và khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu lo lắng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết sự chậm lại của Trung Quốc là một “yếu tố rủi ro” đối với nền kinh tế Mỹ, mặc dù tác động sẽ lớn hơn đối với các nước láng giềng châu Á. 

Tổng thống Joe Biden đã phát biểu tại một buổi gây quỹ vào tuần trước rằng các vấn đề kinh tế của Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ” đối với nước này.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều lời kêu gọi bổ sung các biện pháp kích thích tiền tệ và tài chính để hỗ trợ nền kinh tế kể từ khi Bộ Chính trị nước này có khuynh hướng ủng hộ tăng trưởng vào tháng 7. Một cố vấn của ngân hàng trung ương đã kêu gọi hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để giúp thúc đẩy chi tiêu.