Cổ đông MSB đồng ý không chia cổ tức 2023, nhưng không thông qua việc sáp nhập một ngân hàng khác

admin
HĐQT MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại nhưng không được thông qua.

Chiều 21/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB - Mã: MSB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2023 với các báo cáo, kế hoạch được đệ trình và xin ý kiến cổ đông.

Mục tiêu lợi nhuận 6.300 tỷ đồng, không chia cổ tức

Năm 2023, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng, tăng 9% so với năm ngoái. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230.000 tỷ; dư nợ tín dụng tăng 15%, đạt 141.700 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10% đạt 142.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho hay, kế hoạch năm 2023 được đặt ra trên cơ sở thận trọng, vừa duy trì tăng trưởng hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn vốn, giảm thiểu các rủi ro tín dụng và kiểm soát nợ xấu. MSB sẽ đẩy mạnh tiến độ chiếm thị phần mảng khách hàng cá nhân của Ngân hàng bán lẻ để mảng này trở thành động lực tăng trưởng chính của MSB.

dhcd-msb-thuong-nien-1682091887.jpegToàn cảnh ĐHĐCĐ 2023 của MSB
 

Theo phương án phân phối lợi nhuận trình cổ đông, MSB dự kiến sẽ không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Trước đó ngân hàng đã thực hiện chi trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 30% trong hai năm 2021 và 2022.

Đại diện ban lãnh đạo cho biết, trước tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất và yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý, MSB muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng.

Khi tình hình thị trường diễn biến tích cực hơn, HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chia cổ tức/cổ phiếu thưởng phù hợp cho lợi nhuận tạo ra năm 2022. Hiện mức lợi nhuận còn lại, sau thuế và trích lập các quỹ trong năm 2022 là 3.922 tỷ đồng.

dhcd-msb-thuong-nien-1-1682091887.pngPhương án phân phối lợi nhuận năm 2022 của MSB
 

Không thông qua tờ trình về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác 

Tại Đại hội, HĐQT MSB trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Việc nhận sáp nhập là cách giúp ngân hàng tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập, qua đó tăng quy mô hoạt động của MSB và triển khai thành công chiến lược số hoá ngân hàng.

HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc uỷ quyền cho HĐQT thực hiện toàn bộ công việc và nội dung liên quan đến việc triển khai và thực hiện nhập sáp nhập.

Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho hay, ngân hàng này từng có kinh nghiệm sáp nhập Ngân hàng MDB vào năm 2015, HĐQT và ban điều hành cũng rất thận trọng trong việc đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng khác.

“Việc sát nhập vẫn phải phụ thuộc vào quyết định của cấp có thẩm quyền. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ kiểm tra, đánh giá năng lực của MSB để xác định ngân hàng có đủ khả năng sáp nhập thêm đơn vị khác hay không. Hiện đây mới chỉ dừng ở chủ trương. Đồng ý hay không đồng ý cổ đông có thể bỏ phiếu biểu quyết”, ông chia sẻ.

Tuy nhiên, ĐHĐCĐ đã không thông qua tờ trình về kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng khác. Chỉ có hơn 56% cổ đông tham dự đồng ý với phương án nhận sáp nhập, chưa đạt tỷ lệ cần thiết là 65%. Các tờ trình khác đều được thông qua.

Về kết quả kinh doanh quý I/2023, Tổng Giám đốc MSB thông tin, tổng tài sản Ngân hàng ước đạt 236.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022; tín dụng tăng 13,17%; cho vay khách hàng đạt 136.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, tiền gửi khách hàng đạt 126.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng 2%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng; CAR theo quy định là 11,5%; NIM ở mức cao so với mặt bằng đạt 5,1%.

{