Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện nằm trong danh sách các "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước đang gánh khoản nợ phải trả khổng lồ. Không những thế, hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV gặp nhiều khó khăn sau khi loạt lãnh đạo chóp bu bị kỷ luật, phải từ chức.
Kiểm toán "bóc trần" nợ khủng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của TKV công bố tháng 8/2022, hiện TKV đang phải trả lãi vay khá lớn, trong 6 tháng năm 2022, mỗi ngày của tập đoàn này phải trả lãi vay lên đến 6,5 tỷ đồng.
Trong nhóm nợ phải trả 74.400 tỷ đồng của TKV, nợ ngắn hạn là hơn 44.430 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 30.000 tỷ đồng. Trong nợ phải trả ngắn hạn, TKV đang có khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lớn nhất với hơn 11.800 tỷ đồng và nợ phải trả cho người bán ngắn hạn 10.137 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản nợ và nợ thuê tài chính dài hạn gấp đôi ngắn hạn, lên đến hơn 26.265 tỷ đồng.
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, TKV cho biết 6 tháng đầu tiên chi phí lãi vay phải trả là hơn 1.178 tỷ đồng tiền lãi, bình quân mỗi ngày họ phải trả hơn 6,5 tỷ đồng tiền lãi.
Về lợi nhuận, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 6 tháng 2022 của TKV là hơn 2.128 tỷ đồng, có tăng 250 tỷ đồng so với 6 tháng 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong 6 tháng qua cũng chỉ đạt 1.646,8 tỷ đồng, tăng hơn 65 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021.
Theo báo cáo hợp nhất của TKV, khoản phải thu khách hàng của tập đoàn này trong 6 tháng năm 2022 đã lên đến gần 12.700 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 đồng so với tổng nợ phải thu đầu năm 2022. Trong đó hơn 11.170 tỷ đồng là khoản phải thu ngắn hạn, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với đầu năm 2022; khoản phải thu dài hạn là 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 94 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, các con nợ của TKV hầu hết là doanh nghiệp điện than lớn.
Cụ thể, Công ty mua bán điện - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nợ khủng nhất lên đến với 2.900 tỷ đồng, Công ty Thép Formosa (Hà Tĩnh), Công ty TNHH Điện lực AES - TKV Mông Dương hơn 956,2 tỷ đồng, Nhiệt điện Mông Dương hơn 657 tỷ đồng, Nhiệt điện Hải Phòng hơn 481 tỷ đồng, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (CTCP Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh) hơn 428,4 tỷ đồng, Thép Formosa Hà Tĩnh hơn 260,4 tỷ đồng…
Nợ khó đòi, tính đến hết 6 tháng năm 2022 khoản nợ này của TKV rất lớn hơn 270 tỷ đồng, trong khi đó chỉ 7,3 tỷ đồng là khoản nợ khó đòi ngắn hạn 6-12 tháng, còn lại nợ khó đòi từ 1-3 năm là hơn 68 tỷ đồng, khoản nợ khó đòi trên 3 năm là hơn 194 tỷ đồng. Trong khi dự kiến thu hồi về chỉ đạt 37,6 tỷ đồng, trong đó khoản nợ khó đòi trên 3 năm dự kiến chỉ có thể thu hồi được hơn 820 triệu đồng.
Một chi tiết nữa ảnh hưởng đến tài chính của TKV là chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn 2.677 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày TKV bỏ ra hơn 14,8 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng số nợ lớn của TKV đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là các khoản nợ phải trả cho đối tác, nợ tiền thuê tài chính, nợ thuế và tiền lương người lao động.
TKV vẫn bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư
Lý giải về số nợ hơn 74.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD) gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu (45.000 tỷ đồng) được Kiểm toán Nhà nước nêu mới đây, đại diện TKV cho rằng, bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng cần có nguồn vốn để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất và đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên. Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp đều phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các hình thức vay tín dụng, phát hành trái phiếu, xã hội hoá…
Với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như TKV, có quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 91 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của TKV là 1,60 lần, giảm 0,37 lần so với năm 2020 (1,97 lần) và thấp hơn nhiều so với mức trần quy định 3 lần của Nhà nước. “Không chỉ năm 2021 và 6 tháng năm 2022, trong tất cả các năm TKV đều đảm bảo quy định về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn, thấp hơn giới hạn quy định của Nhà nước”, đại diện TKV cho hay.
Liên quan đến những cảnh báo về bảo toàn vốn Nhà nước và mức lãi, lỗ của tập đoàn, TKV cho hay, báo cáo tài chính của TKV qua các năm đều có lãi và thực tế TKV đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư.
“Về các khoản nợ của khách hàng, trong đó có EVN, là các khoản công nợ chưa đến hạn thanh toán theo quy định. Trong năm 2021 và 2022, TKV không phát sinh nợ phải thu quá hạn. Tập đoàn không phát sinh nợ quá hạn đối với ngân sách Nhà nước, các khoản vay ngân hàng cũng như các khoản công nợ phải trả khác”, TKV cho hay.
Liên quan đến lo ngại về khả năng trả nợ của TKV, tập đoàn này cho biết, tổng doanh thu trên tổng nợ của tập đoàn là 1,86 lần. Lợi nhuận được ghi nhận trên báo cáo tài chính của TKV đã tính đầy đủ các khoản chi trả cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả tiền gốc, lãi vay đến hạn. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến đến hạn của tập đoàn năm 2021 là 0,97 lần; tăng 0,07 lần so với năm 2020 (0,90 lần), đảm bảo tính thanh khoản của toàn tập đoàn.
Dù năm 2022 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, nhưng lại là một năm thành công nhất từ trước tới nay của tập đoàn khi sản xuất kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu đạt cao nhất từ khi thành lập. Doanh thu toàn tập đoàn đạt 165,9 ngàn tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch, và bằng 119% so với cùng kỳ 2021. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 21,35 ngàn tỷ đồng, tăng 3,45 ngàn tỷ đồng so với kế hoạch. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 8,1 ngàn tỷ đồng tăng 2,7 lần so với kế hoạch.