Ngân hàng Eximbank: Lợi nhuận quý 3 sụt giảm, nợ xấu tăng 53% so với đầu năm

Bước vào quý 3/2023, Ngân hàng Eximbank (mã chứng khoán EIB ) nhận được nhiều sự kỳ vọng tăng trưởng dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT trẻ tuổi là bà Đỗ Hà Phương. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng này vẫn sụt giảm khi kết thúc quý 3. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của EIB cũng tăng 53% so với đầu năm.

Theo đó, tại quý 3/2023, EIB ghi nhận thu nhập lãi thuần chỉ ở mức 868 tỷ đồng (giảm đến 42%) so với cùng kỳ năm ngoái. Đối với hoạt động dịch vụ, EIB có sự tăng trưởng là 10% khi đạt được 115 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác đạt 31 tỷ đồng (tăng 43%). Đáng chú ý kỳ này EIB thu được hơn 141 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng.

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại nhà “bank” này giảm 51%, chỉ còn gần 477 tỷ đồng. EIB cũng trích lập dự phòng hơn 170 tỷ đồng trong quý 3/2023, khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 296 tỷ đồng. Kết quả, ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 307 tỷ đồng (giảm 76%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐQT mới, nhưng lợi nhuận quý 3/2023 của Eximbank vẫn sụt giảm.

Đối với luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của EIB đạt được gần 3.200 tỷ đồng (giảm 23%). Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái là 4.147 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng tại Eximbank đạt hơn 1.712 tỷ đồng (giảm 46%) so với cùng kỳ. Năm 2023, EIB đặt kế hoạch lãi hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy dưới sự dẫn dắt của bà Đỗ Hà Phương (Chủ tịch HĐQT Eximbank), EIB mới thực hiện được 34% chỉ tiêu sau 3 quý đầu năm.

Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản tại EIB mở rộng 3% so với đầu năm, lên 191.589 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm gần 63%, còn 2.092 tỷ đồng.

Còn tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng đến 58%, đạt 41.101 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 4%, tương ứng 135.966 tỷ đồng.

Về nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác ghi nhận tăng 15%, lên 10.826 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 4%, lên 153.967 tỷ đồng.

Đến 30/9/2023, chất lượng tài sản, tổng nợ xấu là 3.593 tỷ đồng (tăng 53%) so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng lần lượt gấp 2,5 và 3 lần, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ. Kết quả đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,8% đầu năm lên 2,64%.

Theo lãnh đạo EIB, mặc dù kết quả kinh doanh của ngân hàng chưa đạt kế hoạch như mong muốn đưa ra trong nửa đầu năm nay (tính đến hết quý II/2023, Eximbank đạt 1.405 tỷ đồng, tương ứng 28% kế hoạch), nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, tín dụng chững lại.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2023, Chính phủ có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn kinh tế, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, nên EIB kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu 5.000 tỷ đồng như kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua tại kỳ họp thường niên.

Trước đó, ngày 28/6, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Đỗ Hà Phương – Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 – 2025) thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú.

Ngay sau đó, Eximbank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường nhằm kiện toàn lại bộ máy nhân sự.

Hiện Eximbank có 7 thành viên trong HĐQT bao gồm bà Đỗ Hà Phương - Chủ tịch HĐQT, bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng, ông Nguyễn Cảnh Anh, ông Trần Tấn Lộc và ông Trần Anh Thắng.

Cùng ban điều hành gồm 5 thành viên là: quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải và 4 phó tổng giám đốc là ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Lê Thị Mai Loan (kiêm thành viên HĐQT) và ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ.

Link nội dung: https://www.taichinhplus.com.vn/ngan-hang-eximbank-loi-nhuan-quy-3-sut-giam-no-xau-tang-53-so-voi-dau-nam-a8194.html