Giá khô đậu tương tăng mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó

Hạn hán kéo dài đã khiến mùa vụ đậu tương Argentina năm ngoái bị thiệt hại nghiêm trọng, năng suất chỉ bằng một nửa mức trung bình và kéo theo nguồn cung khô đậu tương thu hẹp. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất khiến giá tăng vọt ở thời điểm hiện tại. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ta lo lắng trước áp lực chi phí nguyên liệu.

Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày 1/11, giá đậu tương hợp đồng tháng 1 vẫn giằng co và đóng cửa trên vùng hỗ trợ tâm lí 480 USD/tấn. MXV cho biết các thông tin cơ bản về triển vọng mùa vụ ở các nước sản xuất chính tại Nam Mỹ duy trì tác động trái chiều lên giá. Trong khi đó, gần đây, xuất khẩu của Brazil đang có dấu hiệu chững đã giữ giá đậu tương trong sắc xanh. Giá đóng cửa phiên hôm qua với mức tăng nhẹ 0,34%.

Hiện Việt Nam đứng thứ 2, chỉ sau Mỹ về khối lượng nhập khẩu khô đậu tương hàng năm. Loại phụ phẩm này thu được sau quá trình chiết xuất dầu từ hạt đậu tương, và được sử dụng để cung cấp chất đạm trong chăn nuôi. Với diễn biến giá tăng nhanh gần đây, các doanh nghiệp nhập khẩu của nước ta đã bắt đầu “sốt sắng” trước áp lực chi phí nguyên liệu.

Trong cơ cấu nhập khẩu ngô và đậu tương của nước ta, Argentina và Brazil đều là đối tác thương mại lớn. Do đó, tình hình vụ mùa của các nước này thường sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường nội địa.

nullGiá khô đậu tương tăng mạnh, doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó. Ảnh minh hoạ
 

Liên quan đến nhập khẩu đậu tương, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập gần 2,3 triệu tấn đậu tương từ Brazil, chiếm 54,5% tổng khối lượng nhập khẩu của cả nước. Trong khi đó, đối với ngô, Argentina và Brazil đều đóng vai trò quan trọng khi chiếm đến 72,6% lượng hàng đến Việt Nam.

Trong giai đoạn cuối năm, việc đảm bảo nguồn cung và hạn chế rủi ro thiếu hụt là điều rất quan trọng với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang nóng lên và thời tiết diễn biến thất thường, chiến lược mua hàng hợp lý sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam nhận định: “Diễn biến thị trường trong những tháng cuối năm rất khó lường, tôi cho rằng các doanh nghiệp có thể mua hàng ngay thời điểm này để tránh những rủi ro về nguồn cung trong giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau. Với những hợp đồng kỳ hạn, chúng ta hoàn toàn có thể chờ mức giá tốt hơn khi xu hướng giảm được xác nhận trở lại”.

Còn theo cảnh báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), tác động của El Nino khi kết hợp với các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu như sóng nhiệt và thay đổi chu trình thủy văn, có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành nông nghiệp của nhiều quốc gia. Đây không phải là câu chuyện trong tương lai khi mà tác động của thời tiết bất thường hiện đã bắt đầu phản ánh đến nguồn cung của nhiều quốc gia trong năm nay.

Trong báo cáo mới nhất, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario đã cắt giảm dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 2023/24 của Argentina xuống còn 14,3 triệu tấn, giảm mạnh so với kỳ vọng vượt 20 triệu tấn vào đầu mùa vụ do tình trạng khô hạn kéo dài. Có thể đây sẽ là vụ mùa với sản lượng thấp thứ 4 trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tại nước láng giềng với Argentina là Brazil, tình trạng hạn hán đang khiến tiến độ trồng đậu tương niên vụ 2023/24 thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ở bang Mato Grosso, bang sản xuất đậu tương lớn nhất của nước này, một số khu vực đã phải trồng lại đậu tương do đất thiếu độ ẩm. Việc trồng đậu tương chậm sẽ ảnh hưởng đến ngô vụ 2 được trồng sau khi thu hoạch đậu tương. Ngô vụ 2 trồng ngoài khung thời gian lý tưởng thường cho năng suất thấp hơn so với mức trung bình.

Bên cạnh những tác động đến mùa vụ các loại nông sản chính, khô hạn kéo dài đã khiến mực sông Amazon ở phía Bắc Brazil giảm xuống mức thấp kỷ lục. Các tuyến đường sông phía Bắc đã giúp Brazil đẩy mạnh việc xuất khẩu ngô và đậu tương trong nhiều năm qua. Điều này đang khiến dòng chảy ngũ cốc từ một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới gặp gián đoạn.

Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm nhưng vẫn duy trì ở mức cao so giai đoạn trước dịch Covid-19. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi còn phải chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất, phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu… ở mức cao. Do đó, cơ cấu ngành chăn nuôi của nước ta đã có bước chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ lệ các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, gia tăng các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay, sản lượng lợn sản xuất của các hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%, ngược lại sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm đến 60-65%.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngành chăn nuôi đang dần thoát ra khỏi thế gọng kìm và bước vào giai đoạn sản xuất mới. Trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do tỷ lệ số nông hộ sản xuất nhỏ lẻ giảm, nhu cầu thịt lớn trong quý cuối năm tăng cao và ổn định, dự báo giá thịt lợn hơi trong nước tiếp tục đà tăng nhẹ. Điều này giúp biên lợi nhuận ngành chăn nuôi sẽ có cải thiện trong giai đoạn tới.

Link nội dung: https://www.taichinhplus.com.vn/gia-kho-dau-tuong-tang-manh-doanh-nghiep-chan-nuoi-gap-kho-a8163.html